Loài cá Tanyrhinichthys mcallisteri có hình dáng giống cá tầm với phần mõm nhô dài tập trung giác quan giúp chúng bắt mồi.
Mô phỏng cá Tanyrhinichthys mcallisteri ở biển. (Ảnh: Penn).
Các nhà nghiên cứu đứng đầu là Jack Stack, thạc sĩ ở Đại học Pennsylvania (Penn) và nhà cổ sinh vật học Lauren Sallan ở Trường Nghệ thuật và Khoa học Pennsylvania kiểm tra loài cá cổ đại tên Tanyrhinichthys mcallisteri sống cách đây 300 triệu năm ở vùng cửa sông nay là bang New Mexico. Dù nhận thấy loài cá này rất giống cá tầm, đặc biệt là chiếc mũi nhô dài, nhóm nghiên cứu xác định Tanyrhinichthys tiến hóa theo hướng khác hẳn tổ tiên của cá tầm ngày nay. Họ công bố kết quả nghiên cứu hôm 22/6 trên trang Eurek Alert.
Hóa thạch đầu tiên của Tanyrhinichthys được tìm thấy năm 1984 ở mỏ đá Kinney Brick cách Albuquerque khoảng nửa giờ lái xe về phía đông. Nhà cổ sinh vật học đầu tiên mô tả loài này là nhà nghiên cứu Michael Gottfried ở Đại học Michigan. Theo Stack, mẫu vật trông như một con cá bị kéo dài mõm. Nhiều loài cá hiện đại từ cá kiếm tới cá buồm có phần mõm nhô ra nhưng đặc điểm này hiếm hặp hơn ở cá cổ đại. Trong thập kỷ qua, giới nghiên cứu tìm thấy thêm vài mẫu vật của Tanyrhinichthys ở mỏ đá.
Vào thời điểm Tanyrhinichthys sinh sống, các lục địa trên Trái đất dính liền với nhau tạo thành siêu lục địa Pangea, bao quanh bởi một đại dương. Nhằm hiểu rõ hơn cấu tạo của Tanyrhinichthys, Stack, Sallan, và cộng sự kiểm tra chi tiết mẫu vật loài này và nghiên cứu thêm các loài khác sống cùng thời kỳ. Họ phát hiện Tanyrhinichthys có phần mõm nhô dài với hàm răng ở bên dưới. Hình dạng của nó giống những loài sống ở tầng đáy. Sallan cũng để ý tới cấu trúc hình ống ở trên mõm con cá có thể gắn giác quan cho phép nó phát hiện rung động để bắt mồi.