Hóa thạch 555 triệu năm của tổ tiên loài người

  •  
  • 1.714

Các nhà nghiên cứu tìm thấy sinh vật giống giun nhỏ cỡ hạt gạo, tổ tiên lâu đời nhất trên cây phả hệ bao gồm con người và phần lớn động vật.

Sinh vật giống sâu tên Ikaria wariootia sống cách đây 555 triệu năm. Nó được coi là loài đối xứng hai bên xuất hiện sớm nhất. Động vật đối xứng hai bên có mặt trước và mặt sau, bên trái và bên phải.

Hình dáng phục dựng của Ikaria wariootia.
Hình dáng phục dựng của Ikaria wariootia. (Ảnh: CNN).

Giáo sư địa chất học Mary Droser và nghiên cứu sinh hệ tiến sỹ Scott Evans ở Đại học California, Riverside, Mỹ, xem xét những hang hóa thạch có niên đại cuối kỷ Ediacara cách đây 555 triệu năm ở Nilpena, Nam Australia, do động vật đối xứng hai bên tạo ra. Nhưng các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy loài nào sống trong hang. Khi xem xét kỹ hơn, họ trông thấy dấu vết hình oval ở gần hang.

Kết quả quét laser 3D hé lộ đó là dấu tích của sinh vật có hình dáng cơ thể và kích thước giống hạt gạo có phần đầu và đuôi dễ nhận biết cùng các rãnh hình chữ V như thớ cơ. Cơ co rút giúp nó cử động và đào hang. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định nó có miệng, ruột và lỗ hậu môn. Kích thước của sinh vật cũng phù hợp với những chiếc hang mà các nhà nghiên cứu tìm thấy. Họ công bố phát hiện trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences hôm 23/3.

Giáo sư Droser và cộng sự đặt tên cho sinh vật là Ikaria wariootia có nghĩa là "nơi gặp gỡ" trong tiếng Adnyamathanha của người thổ dân Australia sống ở khu vực tìm thấy hóa thạch. Ikaria tìm kiếm và ăn vật chất hữu cơ bằng cách đào hang xuyên qua lớp cát ở đáy biển. Nhóm nghiên cứu suy đoán nó có các giác quan cơ bản dựa theo đường rãnh hang.

Cập nhật: 25/03/2020 Theo VnExpress
  • 1.714