Hóa thạch rắn có cánh 5 triệu năm tuổi

  •  
  • 3.265

Hóa thạch loài "rắn có cánh" sống cách đây 5 triệu năm được phát hiện tại bang Tennessee, Mỹ.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Herpetology, hai nhà nghiên cứu Steven Jasinski và David Moscato cho biết họ đã phát hiện hóa thạch của một loài rắn mới sống cách đây 5 triệu năm tại bang Tennessee, Mỹ, ABC News ngày 22/5 đưa tin.

Loài rắn đã tuyệt chủng này được đặt tên khoa học là Zilantophis schuberti, có nghĩa "rắn có cánh của Schubert", theo tên của Blaine Schubert, giám đốc điều hành Gray Fossil.

Hình ảnh phục dựng "rắn có cánh" sống cách đây 5 triệu năm.
Hình ảnh phục dựng "rắn có cánh" sống cách đây 5 triệu năm. (Ảnh: Steven Jasinski).

Hóa thạch giống rắn này được phát hiện trong một hố sụt lún ở Gray Fossil, một trong những địa điểm có nhiều hóa thạch nhất ở Mỹ.

Loài bò sát cổ đại này được gọi là "rắn có cánh" vì trên lưng chúng có phần xương nhô ra giống như đôi cánh. Tuy nhiên, phần xương này nhiều khả năng làm trụ bám cho cơ lưng của loài rắn chứ không giúp chúng bay lượn được trên bầu trời.

"Rắn có cánh" lớn bằng ngón tay trỏ, nhiều khả năng sống trong tầng lá cây bao phủ trên mặt đất, ăn côn trùng nhỏ hoặc cá.

Jasinski cho biết Zilantophis có thể đã tiến hóa trong một khu vực nhỏ ở thời điểm môi trường và khí hậu bị biến đổi, rừng bị thay thế bằng đồng cỏ. Sự biến đổi này hoặc việc bị loài khác cạnh tranh thức ăn có khả năng dẫn đến sự tuyệt chủng của "rắn có cánh".

Cập nhật: 25/05/2017 Theo VnExpress
  • 3.265