Vết đen Mặt Trời là các khu vực tối trên bề mặt Mặt Trời. Độ sáng bề mặt của vết đen vào khoảng 1/4 độ sáng của những vùng xung quanh (độ sáng này là rất nguy hiểm đối với mắt người).
Nguyên nhân xuất hiện vết đen là do nhiệt độ của chúng thấp hơn các vùng xung quanh (nhiệt độ vết đen vào khoảng 4000 đến 5000 K, theo định luật Stefan-Boltzmann, trong khi vùng xung quanh vào khoảng 6000 K), một hiện tượng gây ra bởi các biến đổi từ trường rất mạnh trên Mặt Trời. Trong quá trình phát triển, từ trường của vết đen cũng tăng dần.
Chu kỳ xuất hiện vết đen vào khoảng xấp xỉ 11 năm.
Vết đen thường xuất hiện thành từng nhóm đặc biệt là các nhóm đôi, từ trường của các nhóm đôi thường khác cực. Những vết đen rộng nhất, đường kính vào cỡ 104 km, tồn tại khoảng 2 tháng, còn hầu hết các vết đen chỉ tồn tại vài ngày sau đó được thay thế bởi các vết đen khác.
Sự phân bố vết đen chủ yếu tập trung trong phạm vi từ 8 độ đến 35 độ hai bên đường xích đạo của Mặt trời.
Vùng hoạt động mạnh mang số hiệu 9393 chụp bởi máy MDI trên vệ tinh SOHO cho thấy những nhóm vết đen lớn. Ngày 30 tháng 3 năm 2001, diện tích của các nhóm vết đen này trải rộng gấp 13 lần diện tích bề mặt của Trái Đất. Chúng là nguồn phóng ra nhiều cuộn lửa, trong đó có cuộn lửa lớn nhất từng thấy trong 25 năm trước đó, phóng vào ngày 2 tháng 4 2001. Từ trường rất mạnh nằm sâu bên dưới vết đen, làm chúng nguội hơn so với các vùng lân cận, và do đó trông tối hơn.
Nhà thiên văn học người Hà Lan, Johannes Fabricius trong khi quan sát Mặt Trời thông qua chiếc kính viễn vọng của mình đã vô tình phát hiện ra những đốm đen xuất hiện trên bề mặt của ngôi sao này. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà thiên văn học quan sát thấy các vết đen trên bề mặt Mặt Trời. Tuy nhiên vào năm 1611, các nhà khoa học vẫn chưa tìm hiểu được nguyên nhân cũng như bản chất của các vết đen này. Phải đến sau này, các nhà khoa học mới biết được các vết đen là hoạt động năng lượng cao trên bề mặt Mặt Trời và là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bão Mặt Trời.