Hội thảo “Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ X” tại Thanh Hoá đưa ra một sáng kiến mang tính dè dặt hơn, đồng thời rút kinh nghiệm về các sáng kiến/chương trình hợp tác trước đây. Bên cạnh đó, việc công bố chỉ số sẵn sàng về CNTT-TT Việt Nam 2005 (ICT Index Vietnam 2005) đã gây sự chú ý.
Thanh - Nghệ - Tĩnh bắt tay
Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh là 3 tỉnh có nhiều nét tương đồng về tự nhiên, kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ Tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, sự hợp tác phát triển công nghệ, trao đổi thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội là cơ hội để ba tỉnh cùng nhau phát triển. Do đó, tại hội thảo lần này, lãnh đạo ba tỉnh đã thống nhất thông qua sáng kiến “Hợp tác phát triển CNTT-TT ba tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An – Hà Tĩnh”.
Mục đích của sáng kiến là đẩy mạnh hợp tác ứng dụng và phát triển CNTT-TT nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
|
Lãnh đạo ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển CNTT-TT |
Nội dung của chương trình hợp tác gồm 5 điểm, về: Hạ tầng CNTT-TT, ứng dụng CNTT-TT, tổ chức hội thi tin học trẻ không chuyên, tổ chức hội chợ về CNTT-TT, đào tạo nguồn nhân lực. So với các chương trình hợp tác trước đây, sáng kiến tại Thanh Hoá mang tính cụ thể hơn, dè dặt hơn, nhất là nội dung hợp tác về hạ tầng (thường không được coi là sáng kiến). Cụ thể nội dung hợp tác về hạ tầng như sau: Trao đổi các kinh nghiệm, giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng và các dịch vụ CNTT-TT cho các khu kinh tế động lực của 3 tỉnh, làm tiền đề thúc đẩy phát triển cho các khu vực khác; thiết lập các điểm truy cập, trung tâm CNTT - TT tại cộng đồng trong đó ưu tiên cho khu vực vùng sâu vùng xa bằng nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp viễn thông và nguồn của chính quyền địa phương.
Về nội dung hợp tác trong ứng dụng CNTT-TT, đáng chú ý là 3 tỉnh sẽ chú trọng việc chia sẻ, trao đổi thông tin về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Một số quan chức tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở dĩ 3 tỉnh đưa ra những nội dung hợp tác khá cơ bản - như về hạ tầng - là vì những nội dung đó phù hợp với điều kiện kinh tế của khu vực. Cả 3 tỉnh đều có nhiều huyện, xã vùng sâu, vùng xa; việc phát triển hạ tầng rất quan trọng và đó chính là yếu tố thúc đẩy ứng dụng CNTT. Mặt khác, 3 tỉnh cũng đã rút kinh nghiệm từ những sáng kiến lần trước:
Do đặt mục tiêu cao và chưa sát thực tế nên khi việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Nhìn lại các sáng kiến cũ Trong báo cáo tổng kết 10 năm hội thảo “
Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam”, ông Lê Trường Tùng - chủ tịch Hội Tin Học TP HCM - nhận xét: "
Với các sáng kiến/chương trình hợp tác trước đây, những nội dung chưa được thực hiện dường như nhiều hơn những gì đã được thực hiện”. Ông Tùng cho rằng, có thể nội dung các sáng kiến chưa phù hợp với khả năng thực hiện, tiềm lực của các hội hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước thiếu quyết tâm, khi thực thi cần phối hợp thì các địa phương chưa thực hiện tốt.
Về sáng kiến mạng thông tin liên kết (TTLK) vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) đưa ra vào năm 2005, mặc dù Hà Nội đã rất tích cực trong việc triển khai công tác chuẩn bị, và các tỉnh đã thống nhất khá cơ bản khung nội dung, phương thức hợp tác và cung cấp thông tin, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Vũ Câu, chủ tịch hội Viễn Thông Điện Tử và Tin Học Hải Phòng, yếu tố kỹ thuật chỉ là một khía cạnh nhỏ, có thể xử lý được. Vấn đề là làm thế nào để có thông tin trên mạng, đặc biệtlà thông tin vừa phản ánh hiện thực, kịp thời, vừa mang tính tổng hợp chung của cả vùng. Mặc dù các Sở BCVT, các hội tin học của các tỉnh đã thể hiện quyết tâm, nhưng điều đó chưa đủ vì các cơ quan, tổ chức này không nắm giữ thông tin tổng hợp quan trọng về phát triển kinh tế -xã hội. Do vậy, cần có một cơ quan đủ mạnh để điều phối hoạt động của mạng, cùng với một cơ chế vận hành phù hợp và điều kiện về con người. Tất cả những vấn đề này đều chưa được làm rõ.
Là đại diện cho cơ quan đi đầu trong việc xây dựng mạng TTLK vùng KTTĐBB, ông Đặng Vũ Tuấn, phó giám đốc Sở BCVT Hà Nội cho rằng khó khăn, vướng mắc nằm ở chỗ: Cả nước chưa có vùng kinh tế trọng điểm nào xây dựng mạng TTLK cho nên hầu như chưa có kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này. Việc xây dựng mạng TTLK vùng KTTĐBB để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là việc có quy mô lớn, tính chất công việc phức tạp, song các nguyên tắc, quy chế để triển khai còn thiếu. Mối liên kết giữa các tỉnh/thành phố là liên kết lỏng, thiếu ràng buộc. Khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa có cơ quan chủ trì, điều phối chung cho việc xây dựng mạng TTLK vùng, chưa xây dựng được định hướng tốt cho cơ chế tổ chức xây dựng, triển khai vận hành…
Hiện nay, cơ chế tổ chức tại một tỉnh không thuận lợi cho việc xây dựng một hệ thống thông tin. Sở Kế Hoạch và Đầu Tư là thường trực cho chương trình hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội vùng, nhưng Sở Bưu Chính Viễn Thông (BCVT) là thường trực cho xây dựng mạng TTLK; trong khi đó, website, cổng giao dịch điện tử hiện có của các tỉnh/thành lại thuộc Sở BCVT hoặc văn phòng UBND các tỉnh, thành.
Tương tự như vậy, sáng kiến Kiên Giang năm 2004 (với mục đích đưa việc triển khai các ứng dụng CNTT-TT, nhất là Internet về nông thôn) cũng gặp bế tắc trong quá trình thực hiện. Theo báo cáo của Hội Tin Học Tỉnh Cần Thơ, sáng kiến này sau 2 năm vẫn chưa đi vào cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Hội Tin Học Cần Thơ đề nghị sáng kiến trong các hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT khu vực cần vừa với khả năng của các địa phương, đồng thời cơ quan quản lý ngành CNTT-TT và KHCN phải có sự hỗ trợ tích cực (đầu tư tương xứng và thực sự nhập cuộc).
CNTT - TT gắn chặt với phát triển kinh tếTại hội thảo, ông Nguyễn Long, tổng thư ký Hội Tin Học Việt Nam đã công bố chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2005 (Vietnam ICT Index 2005). Đây có thể xem là báo cáo chính thức đầu tiên về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT của Việt Nam. Khác với các báo cáo hoặc nghiên cứu chuyên biệt của một số tổ chức quốc tế và của Hội Tin Học TP. HCM, Vietnam ICT Index 2005 không chỉ đánh giá trên phạm vi chung mà còn đánh giá chi tiết cho từng loại đối tượng như các tỉnh/thành, bộ/ngành, và đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng. Có 60/64 tỉnh/thành, 26/28 bộ/ngành, 29/48 ngân hàng thương mại, 44/97 tổng công ty 90-91 gửi báo cáo tham gia.
Xếp hạng chung 5 vị trí dẫn đầu của từng nhóm đối tượng
STT | Tỉnh/thành | Bộ/ngành | Ngân hàng thương mại | Tổng công ty (TCT) 90-91 |
1 | TP. Hồ Chí Minh | Bộ Thương Mại | NHTMCP đô thị Hà Nội | TCT Công Nghiệp Ô-tô |
2 | Hà Nội | Bộ Bưu Chính - Viễn Thông | NHTMCP kỹ thương Việt | TCT Thép Việt |
3 | Đà Nẵng | Bộ Tài Chính | NHTMCP Á Châu | TCT Hàng Không Việt |
4 | Cần Thơ | Bộ Giao Thông - Vận Tải | NHTMCP Quốc Tế | TCT XD CTGT 5 |
5 | Bà Rịa – Vũng Tàu | Bộ Nội Vụ | NHTMCP Quân Đội | TCT ĐT và TH Việt |
Các vị trí chót bảng
STT | Tỉnh/thành | Bộ/ngành | Ngân hàng thương mại | TCT 90-91 |
56 | Trà Vinh | Ban Cơ Yếu Chính Phủ | NHTMCP Sài Gòn | TCT Rau Quả, Nông Sản |
57 | Thái Bình | Bộ LĐ, TB và XH | NHTMCP nông thôn Hải Hưng | TCT Thiết Bị Kỹ Thuật Điện |
58 | Bắc Kạn | Bộ Thuỷ Sản | NHTM nhà đồng bằng sông Cửu Long | TCT XD CTGT 6 |
59 | Hà Giang | Bộ GD và ĐT | NHTMCP nông thôn Đại Á | TCT Máy và Thiết Bị CN |
60 | Yên Bái | Bộ NN và PTNT | NHTMCP nông thôn An Bình | TCT Cà Phê Việt |
Ngoài xếp hạng chung, ICT Index còn xếp hạng theo từng nhóm chỉ tiêu như hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT, hạ tầng nhân lực CNTT-TT, ứng dụng CNTT-TT, môi trường tổ chức - chính sách; xếp hạng riêng các bộ/ngành thuộc khối kinh tế và không thuộc khối kinh tế; xếp hạng các tỉnh thành theo từng khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam, miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên…
Theo một số chuyên gia của Bộ BCVT, nhìn vào bảng xếp hạng, có thể thấy rõ nhóm các tỉnh được xếp hạng cao về phát triển và ứng dụng CNTT-TT thì có tốc độ phát triển kinh tế cao hơn, năng động hơn. Điều này cũng đúng với các đối tượng khác trong diện khảo sát.
Thụy Anh