Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Haifa (Oranim) của Israel đã phát minh ra một phương pháp sản xuất nhiên liệu từ dưa hấu.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phát hiện thấy phần bỏ đi của loại quả này có thể được dùng vào sản xuất ethanol, một loại nhiên liệu sinh học dùng để chạy động cơ.
Thu hoạch dưa hấu ở Israel. (Ảnh: ynetnews.com).
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sản xuất ethanol từ một giống dưa hấu được Israel trồng để lấy hạt. Do vậy, phần thịt và vỏ của dưa hấu vốn chiếm 97% trọng lượng quả, bị vứt thải ra cánh đồng. Các phần thải đi này gây ra các bệnh cho cây trồng cũng như làm ô nhiễm môi trường do vi khuẩn và nấm trong đất ăn chất ngọt của của dưa hấu và thải ra khí CO2. Vào mùa thu hoạch, các nhà nghiên cứu đã thu thập loại quả dưa hấu này và ép lấy nước để lên men thành ethanol.
Theo các nhà nghiên cứu, ethanol sinh học và nhiên liệu sinh học nói chung làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ trong khi trữ lượng của các nhiên liệu này đang cạn kiệt và việc sử dụng chúng tạo ra lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ethanol cũng là thành phần chính trong thuốc khử trùng y tế như dung dịch khử trùng tay. Do vậy, việc phát triển ethanol có thể hữu ích trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang hoành hành hiện nay.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện phần thải của dưa hấu có thể dùng vào sản xuất lycopene, một loại thực phẩm chức năng ăn kiêng có tác dụng chống oxy hóa.