Kênh đào Panama lao đao trong hạn hán kỷ lục

  •  
  • 161

Kênh đào Panama, kỳ quan kỹ thuật giúp tàu di chuyển giữa hai đại dương, đang tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu sau khi hạn hán kỷ lục khiến lưu thông sụt giảm.

Kênh đào Panama dựa vào nước mưa để di chuyển tàu biển qua một loạt âu tàu đóng vai trò như thang máy nước, nâng tàu lên và đi qua giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước do lượng mưa thấp buộc các nhà vận hành phải hạn chế số lượng tàu đi qua, nhiều khả năng khiến nguồn thu giảm 200 triệu USD vào năm 2024 so với năm nay, Ricaurte Vasquez, quản lý kênh đào cho biết hôm 3/8.

Kênh đào Panama sử dụng nước ngọt để vận chuyển tàu thay vì nước mặn như các nơi khác.
Kênh đào Panama sử dụng nước ngọt để vận chuyển tàu thay vì nước mặn như các nơi khác. (Ảnh: AFP).

Hiện tượng ấm lên ở Thái Bình Dương mang tên El Nino gây hạn hán ở một số quốc gia và ngập lụt ở những nước khác, đang khiến tình huống tồi tệ hơn, theo các nhà khí tượng học. "Bất lợi lớn của kênh đào Panama trong vai trò đường thủy là vận hành bằng nước ngọt, trong khi các nơi khác sử dụng nước biển. Chúng tôi cần tìm giải pháp khác để duy trì lộ trình thích hợp cho thương mại quốc tế. Nếu không thích nghi, kênh đào sẽ chết", Vasquez chia sẻ.

Kênh đào Panama dài 80km vận chuyển 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu và doanh thu năm 2023 dự kiến đạt 4,9 tỷ USD. Kênh đào khánh thành năm 1914 sau một dự án xây dựng xuyên qua rừng rậm và đồi núi với công nhân phải chống chọi bệnh nhiệt đới, nắng gắt và mưa gió. Từ sau đó, hơn một triệu tàu biển đi qua kênh đào, rút ngắn hành trình quanh mũi Nam Mỹ.

Nhà khí tượng học Alcely Lau cho biết, năm nay thiếu hụt lớn lượng mưa, ngày càng nghiêm trọng hơn do El Nino. Hạn hán buộc các nhà quản lý kênh đào phải hạn chế tuyến đường thủy này với những tàu có mớn nước (chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước) là 13,11 m. Năm 2022, trung bình 40 tàu đi qua kênh đào một ngày. Hiện nay, con số này giảm xuống 32 tàu. Với mỗi tàu, 200 triệu lít nước ngọt được sử dụng để đưa tàu qua âu tàu trước khi hạ xuống biển.

Theo Vasquez, những hạn chế lớn sẽ được áp dụng cho tới tháng 9 năm sau. Do hạn chế về mớn nước, một số tàu buôn buộc phải dỡ bớt container. Con tàu nhẹ hơn chạy qua kênh đào trong khi hàng hóa đi qua Panama bằng đường sắt trước khi bốc lên tàu để di chuyển tiếp. Nếu hạn hán và lệnh hạn chế kéo dài, Vasquez lo ngại các công ty chở hàng sẽ chọn lộ trình khác, bao gồm eo biển Magellan, một eo biển tự nhiên ở mũi Nam Mỹ giữa lục địa và quần đảo Tierra del Fuego.

Tình trạng thiếu mưa cũng làm tăng độ mặn của sông hồ góp phần cung cấp nước cho kênh đào và ba thành phố, trong đó có thủ đô Panama. "Mỗi lần chúng tôi mở cửa dẫn ra biển, nước mặn trộn lẫn với nước ngọt. Chúng tôi phải duy trì lượng nước mặn ở mức nhất định, bởi các nhà máy xử lý nước không có khả năng khử mặn", Vasquez cho biết.

Lượng nước ngọt vơi dần không thể thay thế bằng nước biển như ở kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ do đòi hỏi nạo vét quy mô lớn. Suez bằng phẳng hơn và chứa nhiều cát. Panama nằm trên nền đá và có một dãy núi không cao lắm nhưng vẫn là một thách thức, Vasquez nói.

Cập nhật: 08/08/2023 VnExpress
  • 161