Chứng bệnh khiến bạn không thể nhớ được khuôn mặt của bất cứ ai

  •   24
  • 6.530

Nhiều bác sĩ còn không hề biết đến nó, họ nghĩ bệnh nhân bị trầm cảm.

Có bao giờ bạn không thể nhận ra một người thân chỉ vì họ mới thay đổi kiểu tóc? Hay bạn có thường gặp khó khăn trong việc nhớ mặt những người từng gặp? Giữa chừng một bộ phim, bạn bắt đầu lẫn lộn các diễn viên và nhân vật với nhau.

Tổng hợp lại tất cả những điều này, rất có thể bạn đang mắc một hội chứng kì lạ có tên là prosopagnosia. Cứ 100 người thì có 2 người bị ảnh hưởng bởi prosopagnosia ở mức độ nhất định, 1 người trong số đó là do di truyền, nghĩa là trong gia đình, bố hoặc mẹ của họ cũng mắc prosopagnosia hay còn gọi là chứng "mù mặt".

Bạn là ai? Ai là tôi?

Trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng 5/2013, ngôi sao điện ảnh Hollywood Brad Pitt đã thừa nhận anh không có khả năng nhận diện và nhớ mặt người khác chỉ sau vài lần gặp. Nam tài tử tâm sự: “Rất nhiều người ghét tôi vì họ nghĩ rằng tôi không tôn trọng họ. Xin thề với Chúa, suốt một năm nay tôi luôn phải nói câu “Chúng ta đã gặp nhau ở đâu nhỉ?”. Điều này chỉ càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn và làm mọi người bị tổn thương hơn. Khi họ gợi lại hoàn cảnh gặp gỡ, tôi nói: “Cảm ơn bạn đã giúp tôi”. Tuy nhiên, họ lại cảm thấy bị chọc giận thêm. Họ nói rằng, tôi là người tự kiêu, tự đại. Thú thực, tôi không thể nắm bắt được khuôn mặt ai đó. Tôi đang định đi kiểm tra bệnh tình của mình".

Bản thân Brad Pitt đã nghĩ rằng, anh đang mắc hội chứng Prosopagnosia hay Face blindness - bệnh mù khả năng nhận diện. Khả năng nhớ mặt kém đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống xã hội của anh. Anh tránh tiếp xúc với mọi người, chỉ muốn ở nhà.

Chứng mù mặt là một căn bệnh xảy ra do chấn thương vùng não phải, bị lão hóa, di truyền hoặc cũng có khi là rối loạn gene, rất nhiều người mắc phải.

Heather Sellers, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường Trung học Hope ở Holland (Michigan) không bao giờ nhớ được khuôn mặt người bà vừa được giới thiệu, cho dù có nói chuyện với họ hàng giờ. Vấn đề đơn giản là bà không thể nhận biết được khuôn mặt chỉ thông qua cái nhìn thẳng vào mặt. Bà cũng thích đọc sách hay xem phim như bao người khác, nhưng không thể theo dõi xuyên suốt được một bộ phim, từ phim một tập đến phim nhiều tập theo cách thông thường, vì bà không thể phân biệt được khuôn mặt của từng diễn viên. Trong những lần tụ tập vui chơi ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp, rõ ràng trước đó, bà Sellers có lên kế hoạch cùng, ấy vậy mà đến khi gặp nhau, bà lại xem họ như những người xa lạ. Đối với bà, họ có cùng một khuôn mặt như nhau. Dù rất dễ dàng nhắc lại tên người hay số điện thoại được cho, nhưng chỉ rõ họ là ai trong tập ảnh chụp nhiều người thì bà hoàn toàn bất lực. May mắn là khi đứng trên bục giảng, Sellers vẫn đảm nhiệm tốt vai trò của một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi vì nhận dạng được từng học sinh dựa vào quần áo mặc, kiểu tóc, phù hiệu mà họ đeo.

Khi còn nhỏ, trong lần cùng mẹ đi sắm đồ ở một cửa hàng tạp hóa gần nhà, Sellers đã vô tình gây ra rắc rối. Sellers lạc mất mẹ. Cô bé vừa khóc vừa tìm mẹ. Nhưng trớ trêu thay, cô không thể nhớ khuôn mặt của người mẹ. Nhìn thấy người nào, Sellers cũng níu tay lại, hỏi rất thương cảm: “Mẹ có phải là mẹ của con không?”. Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên, ú ớ trước câu hỏi của cô bé lên 10 tuổi này. Đến khi người quản lý của cửa hàng này - một người hàng xóm với gia đình nhà Heather - tìm được mẹ của Sellers. Mẹ đứng trước mặt, gọi con liên hồi, nhưng Sellers có phản ứng rất lạ. Cô bé đứng trơ, thái độ nghi ngờ, hỏi: “Mẹ đúng là mẹ của con chứ?”, Sellers không nhận ra mẹ của mình. Cả hai mẹ con ôm nhau khóc...

Không thể nhớ được khuôn mặt của bất cứ ai

Thời trung học, Sellers sống khép kín. Cô không biết xưng hô như thế nào cho đúng, vì không thể nhớ được người này là ai? Người kia là ai? Sellers chỉ còn biết lủi thủi một mình, và trong đầu luôn văng vẳng câu hỏi: “Bạn là ai?”. Không ai hiểu được nỗi khổ tâm của cô.

Đến khi lập gia đình, rất nhiều lần, Sellers không thể nhận ra ai là chồng mình. Mỗi ngày khi đi làm về, cô lại giật mình vì trong nhà có một người đàn ông lạ mặt và chỉ thở phào “thì ra đó là chồng mình” sau khi quan sát những thứ anh đang mặc. Tới trường đón 2 cậu con trai mà Sellers cũng không nhớ được mặt chúng. Bí cách, cô đành la lớn gọi con trước cổng trường trước sự ngạc nhiên của mọi người.

Thậm chí, ngay cả bản thân mình, Sellers cũng không nhận ra: “Tôi đã ở trong một thang máy, xung quanh có gương với mấy người. Khi một người phụ nữ di chuyển và ra khỏi thang máy. Phải mất một lúc sau, tôi mới nhận ra người phụ nữ đó chính là tôi” - Sellers buồn bã kể.

Năm 36 tuổi, Sellers tình cờ nhìn thấy cụm từ “mù khuôn mặt” trong một cuốn sách giáo khoa về tâm lý học. Đến khi này, Sellers mới nhận biết được những gì đáng sợ đã và đang xảy ra với mình. “Đối với tôi, tất cả những khuôn mặt đều là mặt người, với những điểm rất chung. Chúng không có gì đặc sắc để phân biệt. Mỗi khuôn mặt có thể nhỏ hay lớn, già hay trẻ, nhưng tất cả đều giống nhau”.

Khiếm khuyết gây nhiều trở ngại

Oliver Sacks - nhà thần kinh học có tiếng - là một ca Prosopagnosia điển hình. Ông không thể nhận diện được bất kỳ ai, kể cả gương mặt mình trong gương. Oliver Sacks chủ yếu nhận biết người thân và bạn bè dựa vào giọng nói của họ. Năm 1985, ông xuất bản cuốn “The man who mistook his wife for a hat” (Người đàn ông nhầm mũ với vợ), giúp thế giới biết nhiều hơn về Prosopagnosia. Hàng loạt nghiên cứu bắt đầu diễn ra và tập trung chủ yếu vào việc lý giải chứng bệnh lạ lùng này.

Mới đây, trong công trình nghiên cứu đầu tiên về triệu chứng này đăng trên số tháng 7 của tập san The American Journal of Medical Genetics Part A, các nhà khoa học phát hiện ra, đây là một căn bệnh do bẩm sinh, hay một dạng rối loạn phát triển. Nghiên cứu cũng cho thấy, số người bị chứng mù mặt nhiều hơn ta tưởng. Trong số 689 sinh viên chọn ngẫu nhiên tại Munster, Đức để tham gia thí nghiệm, thì có đến 2,47% mắc phải bệnh này.

Khoa học đang vận dụng kỹ thuật chụp ảnh não để nghiên cứu về chứng mù mặt, để xem phần nào của não hoạt động mạnh nhất khi ta nhận diện người khác. Tiến sĩ Bradley Duchaine và Giáo sư tâm lý Đại học Harvard Ken Nakayama đã công bố công trình nghiên cứu về chứng mù mặt của họ trong số tháng 7 của tập san Current Opinion in Neurobiology. Họ cũng có trang web chuyên về vấn đề mới mẻ này (www.faceblind.org), để mời những ai nghi ngờ mình bị mắc chứng mù mặt có thể liên họ với họ.

Những người bị bệnh được gán cho cụm từ “bất cẩn, vô tâm”, “hậu đậu” quên tên người khi vừa được giới thiệu, hay không thể tìm ra đường đi đến một điểm cho trước. Để bù lại, những người bị chứng mù mặt có khả năng nhận biết rất tốt những biểu cảm của khuôn mặt, từ hạnh phúc đến buồn rầu, từ giận dữ đến bối rối. Họ có thể dò ra những thay đổi nhỏ nhất, xác định dễ dàng giới tính và sức hấp dẫn, thu hút của khuôn mặt. Nói tóm lại, họ nhận thức rất rõ về những gì hiển thị trên khuôn mặt người, nhưng lại không biết nó là của ai, tức là không gắn được tên tuổi vào khuôn mặt.

Hiện, Prosopagnosia không chỉ là một căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới, mà còn là một trong những trở ngại lớn đối với nhiều trường hợp điều tra và xét xử tội phạm, đặc biệt ở Mỹ. Trường hợp của Jenny - nhân chứng trong một vụ giết người mới đây tại Mỹ - là một ví dụ điển hình cho chứng bệnh Prosopagnosia. Jenny đã trực tiếp chứng kiến một người đàn ông giết hại một người phụ nữ và đã tường thuật lại chính xác những gì đã diễn ra. Tuy nhiên, vấn đề duy nhất khiến cho cuộc tìm kiếm thủ phạm thất bại là việc nhân chứng duy nhất này đột ngột mất khả năng nhận diện người. Jenny miêu tả hai lần cùng một người mà cô đã nhìn thấy với những đặc điểm hoàn toàn khác nhau.

Cũng giống như Jenny, một nhân chứng khác của một phiên tòa xét xử kẻ giết người ở Mỹ đã bị mắc chứng Prosopagnosia sau một tai nạn và bị chấn thương não bộ. Kể từ đó trở đi, bệnh nhân này thường xuyên nhận nhầm người lạ thành bạn của mình mà không hề hay biết.

Điều trị hội chứng prosopagnosia như thế nào?

Thật không may, cho tới thời điểm hiện tại vẫn không có bất kể một loại thuốc, hoặc phương pháp điều trị nào cho những người mắc hội chứng prosopagnosia. Người mù mặt chỉ có thể tự rèn luyện một kỹ thuật nào đó, giúp họ đối phó với việc không thể nhận ra người khác.

Một số người luôn mang theo mình một cuốn số ghi chép lại những đặc điểm của người mà họ đã gặp. Đối với những người thân, người mắc hội chứng prosopagnosia có thể thống nhất với họ một mật hiệu.

Tuy nhiên, tất cả những kỹ thuật này không phải lúc nào cũng hiệu quả và đáng tin cậy. Những người mắc hội chứng mù mặt vẫn phải tập sống với nó hàng ngày. “Tôi không thể thấy những gì bạn thấy khi nhìn vào một khuôn mặt. Điều đó thật đáng sợ”, Sellers chia sẻ. “Mỗi lần tôi nhìn thấy một khuôn mặt của một ai, đó đều là lần đầu tiên tôi thấy họ”.

Cập nhật: 29/03/2021 Theo ANTĐ/Trí Thức Trẻ
  • 24
  • 6.530