Làm thế nào nhận biết một người đang bị đột quỵ

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, cách sơ cứu người bị đột quỵ
  •   4,54
  • 5.681

Hãy yêu cầu người bệnh "cười - nói - chào" và quan sát xem có bất thường hay không. Thời gian vàng để xử trí hiệu quả tình trạng đột quỵ là trong vòng 3 giờ.

Người có triệu chứng đột quỵ thường nói ngọng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột....
Người có triệu chứng đột quỵ thường nói ngọng, đau đầu đột ngột, mất thị lực đột ngột....

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Dấu hiệu ở mặt

Mặt đột nhiên có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch so với bình thường, nếp mũi và má bên yếu bị rủ xuống. Người bệnh nói cười sẽ thấy rõ miệng bị méo, thiếu cân xứng trên khuôn mặt.

Dấu hiệu về thị lực

Thị lực đột ngột giảm, mờ dần cả hai hoặc một mắt. Biểu hiện này không rõ rệt nên người bên cạnh khó có thể nhận ra. Do đó, người bệnh nên yêu cầu người xung quanh đưa đi cấp cứu ngay.

Dấu hiệu ở tay

Người bệnh sẽ cảm thấy tê mỏi chân tay, khó cử động, không thể tự nhấc lên được, đi lại khó khăn.

Dấu hiệu nhận thức

Người bị đột quỵ đột nhiên cảm thấy rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ ra đúng từ để nói, không thể diễn đạt được ý tưởng, cảm giác mơ hồ.

Dấu hiệu qua giọng nói

Bỗng dưng nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, cố gắng lắm mới có thể nói được.

Dấu hiệu ở thần kinh

Người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu dữ dội. Đây là một triệu chứng rất nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, đặc biệt là người có tiền sử đau nửa đầu.

Các bước sơ cấp cứu người đột quỵ

Hồi sức tim phổi nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim. Việc không đánh giá được tình trạng nặng có thể khiến người bệnh nặng thêm.

Người bệnh cần được nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh, hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn. Việc nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói. Nằm nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt có thể cử động ra hiệu được khi cần thiết.

Bệnh nhân cần được cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi khi di chuyển. Nếu không có cáng chuyên dụng, người bệnh nên nằm trên mặt phẳng cứng, tay chân xuôi theo mình, dùng chăn cố định hai bên đầu nhằm tránh chấn thương cột sống cổ. Việc vận chuyển người bệnh đột quỵ cần theo ba nguyên tắc: Đảm bảo đường thở và tim đập; cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi; vận chuyển nhanh nhất có thể.

Gọi xe cấp cứu để bệnh nhân được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và có nhân viên y tế đi cùng để xử lý đúng cách.

Những hiểu biết sai lầm về đột quỵ

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ

Nhiều người thường lầm tưởng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ, sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ
Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đến cơ sở y tế, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. (Ảnh: Aptekagemini).

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đây là suy nghĩ sai lầm. Khi bệnh nhân bị đột quỵ, động tác đầu tiên của chúng ta là đưa họ tới cơ sở y tế có khả năng cấp cứu gần nhất. Các bệnh nhân bị tắc mạch máu não do thuyên tắc có thuật ngữ: "Time is brain" tức "thời gian là tế bào não".

Nếu chúng ta trì hoãn, cứ một phút, các tế bào não có thể chết đến 2 triệu tế bào và không thể phục hồi được. Khi quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đi bệnh viện, bạn vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể điều trị. 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng này, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, bệnh nhân đến muộn làm giảm khả năng thành công và nguy cơ tử vong cao.

Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đột quỵ như yếu liệt nửa người cùng bên, méo miệng đột ngột, nói không rõ chữ..., bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi

Nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở độ tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên, những năm gần đây, số bệnh nhân ở độ tuổi trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, năm 2019, số lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó, số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo bác sĩ Cường, những nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ não bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, uống rượu bia.

Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50.
Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ có độ tuổi 18-50. (Ảnh: Pinterest).

Từ các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tích cực thể dục thể thao, hạn chế dùng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thuốc lá, bia rượu… Đó là những điều mà thanh thiếu niên Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó…).

Cập nhật: 11/12/2020 Theo VnExpress/Zing
  • 4,54
  • 5.681