Tổ chức phát triển mã nguồn mở OSDL (Open Source Development Labs) tin tưởng rằng những bước tiến mới nhất của dự án Project Portland cho thấy thị trường Linux cho máy để bàn sẽ thực sự lớn mạnh trong năm tới.
Project Portland được mở ra nhằm phát triển một hệ thống những yêu cầu kỹ thuật then chốt như mở rộng giao diện, tính năng plug-and-play, trình điều khiển và nhân cho Linux và phần mềm mã mở hoạt động trên desktop.
Portland sẽ tạo ra một khung tương tác chung giữa các chương trình Linux và thành tố phần mềm mã mở trên máy tính. Một khung hoạt động chung sẽ loại bỏ những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng của người tiêu dùng cũng như vướng mắc kỹ thuật cho ISV (các nhà cung cấp phần mềm độc lập), những đơn vị muốn đảm bảo phần mềm của họ hoạt động được trên nhiều môi trường khác nhau, dù là mã đóng hay mã mở.
Tổ chức về chuẩn mở (FSG) cho biết Porland sẽ được tích hợp trong nền chuẩn Linux (LSB) 4.0 vào năm tới. Nền LSB của FSG tháng trước đã được cấp chứng nhận ISO sau 5 năm hoạt động. Tuy nhiên, nó chỉ đạt được những thành công giới hạn do thiếu sự hỗ trợ từ phía hãng dẫn đầu thị trường phân phối Red Hat.
OSDL tin rằng tiềm năng của Portland cao hơn nhiều so với LSB giai. OSDL đã tổ chức một cuộc họp giữa 47 công ty đầu tháng này, trong số đó có Adobe Systems, AMD, Eclipse, FSG, Gnome, IBM, Intel, KDE, Mozilla, Nokia, OpenOffice và Red Hat.
Mã nguồn mở đã đạt được một số thành công nhất định tuy rằng 2005 vẫn chưa thể được coi là "năm của Linux desktop" như nhiều dự đoán trước đó. WStarOffice, OpenOffice, KDE và Ximian ngày càng chứng tỏ là giải pháp thay thế xứng đáng cho nhiều ứng dụng trong Microsoft Office. Nhưng Dave Rosenburg, một chuyên gia của OSDL, thừa nhận những bộ mã mở này không thể thu hút phần đông người sử dụng bởi chúng thiếu chương trình e-mail hoàn thiện.
Theo Rosenburg, Porland sẽ khuyến khích Red Hat hoặc Novell phát hành gói ứng dụng tích hợp những tính năng đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ông này cũng hy vọng Linux desktop sẽ phát triển rộng trong năm 2006 một phần nhờ sự phổ biến của Firefox, hiện chiếm 11,51% trên thị trường trình duyệt.
"Tôi không dám khẳng định 2006 sẽ là 'năm Linux desktop', nhưng chúng tôi đang tiến dần đến thời điểm đó. Chúng tôi đang là đối thủ thực sự của Microsoft Office", Rosenburg tuyên bố.