Loài nhện đặc biệt chịu đựng được môi trường đô thị

  •  
  • 155

Các loài nhện thông thường cũng như hầu hết sinh vật thường không chịu nổi tiếng ồn cùng gió từ đường sá đông đúc, nhưng một nghiên cứu do các nhà khoa học Trường Sinh thái Odum (Đại học Georgia) ghi nhận loài nhện Joro dường như lại chẳng "bận tâm" lắm điều ấy. Chúng rất thích hợp để phát triển và lan rộng, nhất là ở đô thị, trên khắp nước Mỹ.

“Mạng nhện nằm cạnh đường luôn bị lắc lư và rung chuyển. Ven đường thực sự là nơi khắc nghiệt với động vật, vậy mà Joro có thể sống khỏe. Điều này thật không may cho Mỹ”, theo tiến sĩ Andy Davis (thành viên nhóm nghiên cứu).

Nhện Joro - hay còn gọi là Trichonophila clavata - lần đầu tiên được phát hiện tại Mỹ vào khoảng năm 2013. Một cá thể nhện này thường dài đến 10cm, to bằng lòng bàn tay người.

Trong nghiên cứu, ông Davis cùng sinh viên sử dụng âm thoa thực hiện 350 thử nghiệm mô phỏng rung động do con mồi tạo ra khi mắc vào mạng nhện nằm cạnh 20 con đường. Họ dự đoán tiếng ồn đường sá sẽ ảnh hưởng đến khả năng săn mồi. Tuy nhiên kết quả lại là khả năng săn mồi của cá thể sống ven đường có mật độ giao thông từ trung bình đến cao chỉ giảm chút ít so với cá thể sống ven đường mật độ giao thông thấp. Cụ thể chênh lệch về số lần tấn công là 51% - 65%.

Nhện Joro
Nhện Joro - (Ảnh: CNN).

Người quản lý Phòng Côn trùng học Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian, ông Floyd Shockley nhận xét: “Nghiên cứu giúp chúng ta xem xét nhện Joro có thể lan rộng bao xa. Có vẻ như chúng không bị giới hạn ở phía nam nước Mỹ hay chỉ trong rừng mà sẽ lan vào đô thị nơi khả năng tiếp xúc giữa nhện với người tăng lên”.

Chuyên gia này vô cùng ngạc nhiên khi khả năng săn mồi trong môi trường đô thị chỉ giảm đi chút ít, nhưng ông không lấy làm lạ khi nhện Joro chịu đựng được xe cộ và con người.

“Chúng chẳng quan tâm đến chúng ta mà chỉ quan tâm đến việc chúng ta tạo ra điều kiện dễ dàng để chúng săn được mồi”, theo ông Shockley. Đèn chiếu sáng trong đô thị thu hút loại côn trùng mà nhện Joro thường ăn.

Nhóm nghiên cứu chưa biết được tại sao nhện Joro lại thích ứng tốt hơn nhiều loài nhện khác. Ông Davis cùng sinh viên hy vọng có thể làm sáng tỏ vấn đề nhờ các nghiên cứu tiếp theo về khía cạnh sinh lý học của nhện Joro cũng như cách chúng phản ứng trước căng thẳng.

Nhện Joro có nọc độc nhưng cặp càng lại chẳng thể làm rách da người. Chúng ăn cả côn trùng có hại lẫn có lợi cho môi trường.

Cập nhật: 27/02/2024 1thegioi
  • 155