Nông nghiệp hữu cơ (NNHC), theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi.
Thực phẩm hữu cơ từ lâu được xem là thị trường nhỏ, và xa xỉ chỉ dành cho giới trung và thượng lưu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng sự chuyển dịch phần lớn nền nông nghiệp sang phương thức cách tác hữu cơ vừa có thể giúp hạn chế tình trạng đói nghèo trên thế giới vừa góp phần cải thiện môi trường.
Tại Hội nghị LHQ về “Nông nghiệp hữu cơ và An ninh lương thực” vừa diễn ra ở Rome (Italia), các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ Đan Mạch nhận định an ninh lương thực cho vùng cận sa mạc Sahara (châu Phi) sẽ được bảo đảm nếu từ nay đến năm 2020, 50% diện tích đất nông nghiệp trong những vùng chuyên canh xuất khẩu ở đây được chuyển sang sản xuất theo công nghệ hữu cơ.
Kết quả nghiên cứu của trung tâm cho thấy khi quay về phương thức canh tác tự nhiên truyền thống, nông dân sẽ không phải tốn tiền mua thuốc và phân hóa học, đồng thời có thể đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ, người trồng có thể xuất khẩu với giá cao hơn nông sản bình thường.
Theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), nền NNHC có khả năng bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay song song với giảm thiểu những tác động có hại cho môi trường. Một nghiên cứu do Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện cho thấy nếu thế giới chuyển sang nền NNHC sẽ tạo ra từ 2.641 đến 4.381 kilocalorie cho một người mỗi ngày so với mức sản lượng lương thực hiện nay của thế giới là 2.786 kilocalorie cho một người/ngày.
(Ảnh: SMH)
Phương pháp nuôi trồng bằng công nghệ hữu cơ hiện đang được ứng dụng tại 120 nước. Xu hướng này đang tăng nhanh tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Mỹ La-tinh. Trên thế giới hiện mới có hơn 26 triệu hécta đất nông nghiệp đang được quản lý sản xuất theo công nghệ hữu cơ – chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ (khoảng 1-2%) trong nền nông nghiệp toàn cầu. Trung Quốc mới có hơn 1.000 công ty nông nghiệp và nông trại được chứng nhận là sản xuất bằng công nghệ hữu cơ.
Tại Ấn Độ, khoảng 2,5 triệu hécta trang trại được cấp giấy chứng nhận sản xuất sạch theo phương pháp hữu cơ. Năm 2006, thị trường nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ toàn cầu ước tính đạt 40 tỉ USD, tăng khoảng 10 tỉ so với trước đó 1 năm. Riêng tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ tăng từ mức dưới 1 triệu USD giữa thập niên 1990 lên hơn 200 triệu USD hiện nay.
Châu Âu và Bắc Mỹ hiện là hai thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ nhiều nhất, và nhu cầu không ngừng tăng, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch sang các thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là làm thế nào xác định được nông sản được sản xuất theo công nghệ hữu cơ sạch và tiếp thị chúng, ngay cả trong thị trường nội địa ở các nước đang phát triển.
Hiện Quỹ Nông nghiệp và Phát triển quốc tế (IFAD), cơ quan chuyên trách của LHQ về các vấn đề xóa đói giảm nghèo, đang giúp các nước tăng nhanh diện tích canh tác bằng công nghệ hữu cơ, và hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập một cách hài hòa lĩnh vực sản xuất tư nhân nhằm cung cấp các dịch vụ tiếp thụ nông sản hữu cơ. Theo IFAD, tăng cường ứng dụng công nghệ canh tác hữu cơ cũng sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới ở các vùng nông thôn, giúp hạn chế làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị.
Tại Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân có kế hoạch trong năm nay sẽ thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất NNHC nhằm thúc đẩy việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệp và liên kết sản xuất, cung ứng các sản phẩm rau, quả, lương thực – thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Năm qua, Hội Nông dân đã triển khai thử nghiệm phương pháp canh tác NNHC trên cây rau, lúa, cam, vải và cá nước ngọt tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
ĐỨC NHÂN & VIỆT QUỐC