Xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, những ngai vàng lộng lẫy đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người như hiện thân của uy quyền tối thượng.
Trong ảnh là thần mặt trời Shamash của cư dân Babylon cổ, ngự trên ngai vàng trong cuộc gặp với một nhà vua và hai vị thần (thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên). (Ảnh: Prioryman/Wikimedia Commons).
Từ throne, ngai vàng trong tiếng Anh, bắt nguồn từ chữ thronos trong tiếng Hy Lạp. Với ý nghĩa "chỗ ngồi" hay "chiếc ghế trên cao", ngai vàng hay ngôi báu thường được hiểu là nơi vị vua đương quyền ngự tọa. Ngai còn được hiểu theo nghĩa hoán dụ, ám chỉ cả chế độ quân chủ và ngôi vua.
Ban đầu, ngai vàng thường có liên quan tới thần thánh. Song về sau, con người quyết định biểu tượng mang tính địa vị này là một lựa chọn phù hợp dành cho những người có vị thế cao nhất trong chính trị và tôn giáo. Tôn lên quyền uy của người thống trị và tạo khoảng cách với thường dân trở thành ý nghĩa của ngai vàng, khiến ngai vàng được thiết kế ngày một công phu, trau chuốt.
Tuy nhiên, không phải mọi ngai vàng đều cần tới vẻ lộng lẫy. Nhiều học giả tranh luận rằng ngai vàng không đơn thuần là biểu tượng của sự thống trị mà còn là vật thể hiện sự thống nhất của một đất nước hay dân tộc.
Quan niệm này cho rằng, một quốc gia hay dân tộc và nhà vua hay người cai trị cùng tổ tiên đều có sự kết nối với nhau. Trong trường hợp đó, vai trò của ngai vàng trong ý thức hệ và triết học sẽ thể hiện qua vật liệu được lựa chọn làm ngai và những họa tiết trang trí bên trên. Vì thế, ngai còn giữ một vai trò không kém phần quan trọng đối với cả vùng đất mà nó thuộc về.
Hiện nay, còn rất ít những ngai vàng tồn tại từ thời cổ đại. Tuy vậy, ngai vàng thường được mô tả trong những tác phẩm nghệ thuật về hoàng gia của những nền văn minh thời đó. Một trong số này là ngai vàng của các đời vua Achaemenid, triều đại đầu tiên của người Ba Tư được biết đến trong lịch sử.
Thành Persepolis (ngày nay là tỉnh Fars, Iran) là một trong những thủ đô của vương triều Achaemenid, do Darius Đại đế xây dựng vào năm 518 trước Công nguyên. Trong tòa điện cổ xưa nhất thuộc quần thể cung điện ở Persepolis, có một khu vực được biết với tên gọi apadana, hay "Sảnh tiếp kiến".
Ở cầu thang phía đông của apadana có một bức phù điêu khắc nổi ấn tượng. Tác phẩm mô tả đại diện các nước chư hầu của đế chế Achaemenid mặc trang phục truyền thống và mang vật cống dâng lên nhà vua, được cho là Darius Đại đế.
Nhà vua ngự trên ngai vàng, chân đặt trên bệ đỡ để không chạm đất. Đằng sau ông là người thừa kế, còn trước mặt là các triều thần đang thực hiện nghi thức Proskynesis, một lễ nghi yết kiến nhà vua dưới thời Achaemenid. Tùy thuộc vào cấp bậc, các triều thần sẽ phải phủ phục xuống đất, quỳ gối trước vua hoặc chào nhà vua một nụ hôn gió. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Ngai rồng lộng lẫy với hoa văn tinh xảo bị để trống kể từ khi chế độ phong kiến ở Trung Quốc kết thúc vào đầu thế kỷ 20. (Ảnh: China Heritage).
Nghi lễ trước ngai vàng cũng xuất hiện ở những vương triều khác, chẳng hạn như triều đình Trung Quốc. Trong một tài liệu, lễ đăng quang của hoàng đế Đạo Quang thời nhà Thanh năm 1820 được mô tả như sau: Người chủ trì buổi lễ hô to "Quỳ", tiếp đó nhà vua và tất cả quần thần bên dưới đều quỳ gối. Khi ông hô "Cúi lạy", rồi "Đứng lên", nhà vua và tất cả quần thần lần lượt quỳ xuống ba lần, dập đầu 9 lần rồi đứng lên.
Trong ghi chép này, ngai vàng của hoàng đế Trung Quốc được nhắc tới với tên Ngai Rồng. Sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn năm 1900, những đạo quân phương Tây tràn vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, trở thành những người phương Tây đầu tiên đứng trước Ngai Rồng kể từ thế kỷ 18.
Một nhân chứng lúc đó mô tả: "Chỉ có ngai vàng ở đó, với cấu trúc ba cánh tuyệt vời. Tất cả đều được làm từ đá cẩm thạch và ngọc bích, chạm trổ hoa văn theo phong cách nghệ thuật Trung Quốc. Chạy dọc bên trên là những con rồng 'uốn lượn với cái đuôi đáng sợ đầy vảy' với đầu hướng về phía trung tâm. Bên dưới ngai vàng có thiết kế ba bậc, và bậc thứ hai là nơi những người cầu xin dập đầu 9 lần".
Dù chế độ quân chủ ở Trung Quốc đã kết thúc cách đây hơn một thế kỷ, trên thế giới vẫn còn nhiều thành viên hoàng tộc tồn tại tới ngày nay. Một trong những người trị vì nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ là Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh.
Hoàng gia Anh có một chiếc ghế đặc biệt để sử dụng trong lễ đăng quang. Nổi tiếng với tên gọi Chiếc ngai đăng quang hay Ngai vàng của vua Edward, chiếc ngai lịch sử này được vua Edward I đặt làm năm 1296 để chứa Đá Đăng quang Stone of Scone. Ngày nay, ngai vàng vẫn được đặt tại Tu viện Westminter, trong khi Đá Đăng quang được đặt tại Cung điện Edinburgh, sau khi được đưa về Scotland năm 1996. Kể từ khi hoàn thành vào thế kỷ 13, chiếc ngai vàng này đã chứng kiển 38 lễ đăng quang của các đời vua Anh. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Ngai vàng của vua Vương quốc Israel thống nhất Solomon là một ngai vàng nổi tiếng được nhắc tới trong Kinh thánh.
Vẻ đẹp của ngai vàng Solomon được miêu tả trong Kinh thánh là: "Nhà vua cũng làm một ngai bằng ngà, bên trên phủ vàng nguyên chất. Ngai có 6 bậc thang và một bệ đỡ chân bằng vàng, hai bên có tay cầm, với hai con sư tử chầu bên cạnh. 12 con sử tử khác được chia đều đứng ở hai đầu mỗi bậc thang. Chưa từng có vương quốc nào sở hữu ngai vàng như thế". (Ảnh: Public Domain).
Xuyên suốt lịch sử, các giáo chủ, giám mục và trưởng tu viện đều có quyền sở hữu ngai của riêng mình. Thời kỳ đầu, rất nhiều ngai trong số này được dựng nên trên cấu trúc đá sẵn có của nhà thờ. Tuy nhiên, ngai vàng lâu đời nhất của các đời giáo hoàng là Ngai vàng Thánh Peter (từ thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên) được làm từ ngà voi và gỗ sồi, và những vòng tròn sắt. (Ảnh: Ancient Origins).
Dù được chế tạo nhằm mục đích gắn kết dân tộc hay phân chia giai cấp, biểu tượng quyền thế và vai trò của ngai vàng vẫn tiếp tục hiển hiện, mang tới cảm giác choáng ngợp cho bất cứ ai có dịp chiêm ngưỡng.