Tiến sĩ Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ, nhận ra mình không có bàn chải đánh răng khi phi thuyền đã bay vào quỹ đạo năm 1963.
Phát biểu tại Bảo tàng Khoa học ở London nhân dịp khai mạc một triển lãm hàng không vũ trụ hôm 17/9,
Tereshkova tiết lộ cơ quan vũ trụ liên bang Xô Viết quên trang bị bàn chải đánh răng cho bà. Khi phát hiện sơ suất, bà đã cách Trái Đất tới hơn 180 km.
"Không may là đó là sự thực", Tereshkova, nay đã 78 tuổi, hài hước nói. "Tuy nhiên, tháo vát là bản tính của phụ nữ, mà tôi cũng không ngoại lệ. Tôi có kem đánh răng này, tay này, cả nước nữa".
Theo Telegraph, bà cũng tiết lộ, khi Vostok 6 bay vào quỹ đạo, bà nhanh chóng nhận ra Vostok 6 bị lỗi lập trình, khiến nó bay xa khỏi Trái Đất, chứ không tiếp cận địa cầu trong hành trình trở về.
"Quên bàn chải đánh răng chỉ là vấn đề cực nhỏ so với việc phi thuyền bị định hướng nhầm, bay xa khỏi Trái Đất thay vì hạ cánh", bà nói. "Có nghĩa là tôi sẽ bay lên cao mãi thay vì trở về mặt đất. Tuy nhiên, tôi báo tình hình về trung tâm điều khiển và họ xử lý lỗi ngay lập tức".
Phi hành gia Tereshkova rời khỏi mặt đất cùng tàu Vostok vào năm 1963. (Ảnh: RIA Novosti).
Trong thập niên 60, những sai lầm như thế rất nghiêm trọng ở Liên Xô. Vì thế Sergey Korolev, người thiết kế phi thuyền của Liên Xô thời bấy giờ, yêu cầu Tereshkova giữ kín sự cố trong nhiều thập kỷ.
"Tôi yêu cầu họ không kỷ luật kỹ sư mắc lỗi, vì lúc đó họ đã chuẩn bị trừng phạt anh ấy. Sergey Korolev nói ông ấy sẽ không phạt nếu tôi không lộ ra sự cố. Tôi đã giữ bí mật ấy trong 30 năm", bà kể.
Vốn là công nhân dệt và vận động viên nhảy dù, Tereshkova mới 26 tuổi khi bay vào vũ trụ. Bà cùng phi thuyền cất cánh từ Sân bay vũ trụ Baikonur bằng tên lửa đẩy R-7.
Các camera trong phi thuyền truyền hình ảnh trực tiếp lên đài truyền hình quốc gia Xô Viết khi Tereshkova rời mặt đất. Sau đó dân chúng chứng kiến cảnh bà nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev qua sóng radio.
Khát vọng đưa phụ nữ vào vũ trụ của Liên Xô thể hiện rõ trong nhật ký của tướng Kamani, người đứng đầu chương trình đào tạo phi hành gia.
"Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không thể để một người Mỹ trở thành phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ. Đó là sự sỉ nhục đối với phụ nữ Xô Viết", ông viết. Cuối cùng Liên Xô đã đi trước Mỹ tới 20 năm, trở thành nơi đầu tiên đưa phụ nữ vào vũ trụ.
Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ hôm 16/6/1963, cũng là phụ nữ duy nhất từng bay ra ngoài Trái Đất một mình. Bà bay trên quỹ đạo trong gần ba ngày, chụp ảnh các tầng khí quyển trái đất, Mặt Trăng, theo dõi tác động của chuyến bay vũ trụ đối với cơ thể người.
Khi Vostok 6 bay lên, Tereshkova kêu to: "Hỡi bầu trời, hãy cúi đầu ngả mũ. Tôi sắp đến gặp anh đây".
Trong triển lãm ở Bảo tàng Khoa học - diễn ra từ ngày 18/9 tới tháng 3 năm sau - khách tham quan sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tàu vũ trụ Vostok 6 màu nâu với những vết cháy do cọ xát với không khí khi trở lại địa cầu với tốc độ 27.000km/h.
Tiến sĩ Valentina Tereshkova (giữa) nay đã 78 tuổi. (Ảnh: Rex Features).
Khi tàu cách mặt đất khoảng hơn 6 km, Tereshkova bật ra khỏi nó và bung dù.
"Một hồ lớn ở bên dưới tôi. Nhưng tôi không thể điều khiển chiếc dù lớn và nặng khi còn cách mặt đất khoảng ba km. Ý nghĩ ban đầu của tôi là: Lạy Chúa, họ đưa đúng một người phụ nữ vào vũ trụ và cô ấy phải kết thúc cuộc đời dưới nước".
Bảo tàng Khoa học cũng trưng bày nhiều đồ vật từng thuộc diện tuyệt mật của Liên Xô - bao gồm thiết bị đáp xuống Mặt Trăng LK-3 (có chiều cao 5m). Mãi tới năm 1989, công chúng mới biết tới sự tồn tại của nó. Họ cũng trưng bày một ghế thoát hiểm dành cho chó, toilet vũ trụ, vòi hoa sen và tủ lạnh, một hình nộm bằng vàng từng bay quanh Mặt Trăng để thử tác động của bức xạ. Nhiều đồ vật trong triển lãm thuộc các bộ sưu tập tư nhân và chưa từng xuất hiện trước công chúng.
Ian Blatchford, giám đốc bảo tàng Khoa học, phát biểu rằng chương trình vũ trụ Liên Xô là một trong những thành tựu vĩ đại về trí tuệ, khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 20 và ông rất phấn khích khi bảo tàng có thể tập hợp những hiện vật nổi bật trong chương trình để kỷ niệm thành tựu ấy.