Nguồn điện sạch từ sa mạc lớn nhất Trung Quốc

  •  
  • 220

Các dự án điện mặt trời, điện gió và sản xuất hydro quy mô lớn giúp sa mạc Taklimakan lột xác từ vùng đất chết thành nguồn cung cấp điện sạch cho Tân Cương.

Thông qua nhiều cách tiếp cận thân thiện với môi trường, Taklimakan từng được ví như "biển chết", sa mạc lớn nhất Trung Quốc và sa mạc cát dịch chuyển lớn thứ hai trên thế giới, trở thành cơ sở chủ chốt cho công cuộc phát triển điện sạch ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở khu vực tây bắc. Trong những năm gần đây, nhiều nhà máy điện mặt trời được xây dựng bên cạnh những đồn điền trồng cây như hoa hồng và nhục thung dung ở rìa sa mạc khổng lồ. Sự biến đổi này biến Taklimakan thành trung tâm phát triển bền vững, CGTN hôm 18/6 đưa tin.

Các tấm pin quang năng tại nhà máy điện ở huyện Lạc Phổ.
Các tấm pin quang năng tại nhà máy điện ở huyện Lạc Phổ. (Ảnh: Xinhua)

Tian Juxiong, giám đốc nhà máy điện ở huyện Lạc Phổ, địa khu Hòa Điền, thường xuyên kiểm tra hệ thống sản xuất điện qua pin quang năng và theo dõi hoạt động hàng ngày của thiết bị thông qua màn hình điều khiển. Theo Tian, phần phía nam sa mạc Taklimakan hưởng lợi từ lượng mưa thấp và ánh sáng Mặt Trời dồi dào, cung cấp 1.600 giờ phát điện mỗi năm.

Vận hành bởi Công ty đầu tư điện, nhà máy có tổng công suất lắp đặt 200 megawatt (MW), sản xuất 360 triệu kWh điện hàng năm. Nhà máy có thể đáp ứng nhu cầu điện dân dụng của 25,9 triệu cư dân ở Tân Cương trong khoảng 10 ngày. Mỗi năm, nhà máy giúp tiết kiệm 110.000 tấn than đá tiêu chuẩn, giảm 330.000 tấn carbon dioxide và 1.300 tấn nitơ dioxide. Dự án cũng trang bị hệ thống lưu trữ năng lượng với công suất 80.000 kWh. Trong điều kiện trời mưa, khi nhà máy không thể sản xuất điện, hệ thống lưu trữ đóng vai trò như ngân hàng điện, cung cấp năng lượng trong khoảng hai giờ.

Theo Yu Zhongping, nhà nghiên cứu ở chi nhánh Tân Cương của lưới điện quốc gia, phần lớn nhà máy điện mặt trời và điện gió ở phía nam khu tự trị trang bị hệ thống lưu trữ để đảm bảo cung cấp năng lượng tái tạo ổn định.

Ở thành phố Khố Xa nằm ở rìa tây bắc sa mạc Taklimakan, một dự án hydro xanh sắp bắt đầu vận hành với công suất sản xuất 20.000 tấn sau khi hoàn thành. Điện mặt trời sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất hydro, theo Cao Jie, phó giám đốc công ty hóa chất và tinh chế Sinopec Tahe.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Trung Quốc hướng tới thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió quy mô lớn ở vùng sa mạc, phát triển cơ sở hạ tầng thủy điện, khám phá và tận dụng sinh khối, nhiệt điện và năng lượng đại dương trong kế hoạch 5 năm (2021 - 2025).

Vào tháng 5/2023, tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo ở phía nam Tân Cương vượt 8.400 MW và những cơ sở sản xuất điện mới với công suất bổ sung 8.259 MW đang được xây dựng, theo Ding Biwei, người chịu trách nhiệm kết nối năng lượng mới với lưới điện ở nhánh Tân Cương. Do lưới điện đang dần được liên kết quanh bồn địa Tarim, điện sản xuất từ nguồn năng lượng sạch không chỉ cung cấp cho Tân Cương mà còn góp phần vào mục tiêu không thải carbon.

Cập nhật: 20/06/2023 VnExpress
  • 220