Nhức nhối nạn ''đạo'' giao diện website

  •  
  • 650

Website tin tức của một doanh nghiệp miền Trung là “anh em ruột” với các báo điện tử nổi tiếng? Một công ty con mới của FPT Telecom mới được thành lập với logo y chang? Website bán template trực tuyến lớn nhất thế giới - TemplateMonster mới mở website chi nhánh tại Việt Nam?

Tất cả câu trả lời đều đơn giản là “không!”, đó chỉ là một trong những trò “mượn tạm” ý tưởng thiết kế và giao diện web đang hết sức phổ biến trên mạng Việt Nam.

"Mượn tạm" thiết kế hay là sự sao chép hoàn hảo?

Hình ảnh các website có giao diện như "anh em song sinh" với các báo điện tử nổi tiếng.

Là một người lướt web thường xuyên mỗi ngày, chị Yến – nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội thường có thói quen vào những báo điện tử lớn để xem tin.

Đã hơn một lần, Yến không khỏi sửng sốt: “Sao giao diện của website công ty này giống hệt VietNamNet thế nhỉ? Còn trang tin cá nhân này y chang Dân Trí? Website của một báo địa phương cũng chỉ thay mỗi cái... tên báo và logo, còn lại đều giống hệt báo Hà Nội Mới điện tử???

Tương tự, TemplateMonster, website rao bán mẫu giao diện (website template) lớn nhất thế giới đã bị sao chép một cách gần như y nguyên header (phần đầu trang) và navigation bar (thanh điều hướng) tại một website rao vặt của Việt Nam. Menu các phân mục của báo VietNamNet, Dân Trí điện tử, Hà Nội mới điện tử... cũng là mục tiêu sao chép của rất nhiều trang web tin tức, trang thông tin điện tử có cấu trúc y hệt….

Rất nhiều người, đã không ít lần phải “mắt chữ O miệng chữ A” - ngạc nhiên khi "enter" vào một website nào đó, mà lầm tưởng rằng nó là một site con hay một phiên bản thứ 2 của website nổi tiếng.

Sẽ ra sao nếu như một ngày nào đó, website của công ty bạn bị sao chép y nguyên giao diện bởi một website khác?

Đâu là nguyên nhân?

Hiện nay, những website có cách sao chép trong thiết kế không phải là hiếm, đại đa số xuất phát từ việc làm dịch vụ thiết kế website.

Giao diện website TemplateMonster bị sao chép một cách gần như y nguyên...
Hiện tượng này có hai dạng: một là người sử dụng dịch vụ không am hiểu công nghệ, nên khi được tư vấn thiết kế thường bày tỏ quan điểm muốn được làm giống như trang tin này, website kia cho "chắc ăn". Đỡ phải thiết kế, mạo hiểm với những giao diện, ý tưởng mới chưa qua thực tế kiểm nghiệm.

Cũng không thể loại trừ khả năng chủ sở hữu của những website này có ý muốn “mượn tạm” một chút xíu hơi hướng của những website, những thương hiệu có tiếng để lôi kéo khách hàng, hay “giúp” khách hàng “ngộ nhận” để gây chú ý.

Khi đó các đơn vị thiết kế buộc phải "linh động" biến tấu đi (để không mang tiếng vi phạm bản quyền) nhưng vẫn phải chiều theo ý khách hàng, vì thế mới có chuyện một website thương mại điện tử mà giao diện cứ như "anh em song sinh" với một... báo điện tử nổi tiếng.

Bà Ứng Ngọc Anh (Giám đốc công ty DotVN - trưởng đại diện Hi-Teck tại Việt Nam) hoàn toàn đồng tình với những nhận định trên: "Ngay như bên chúng tôi khi tiếp xúc với khách hàng làm dịch vụ web, đa số mọi người đều không quan tâm đến tư vấn thiết kế của nhà cung cấp dịch vụ mà chỉ muốn được làm giống một hệ thống nào đó nổi tiếng."

Thứ hai, không thể không kể đến việc chính bản thân các đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm cố tình lấy mẫu ý tưởng thiết kế và giao diện của một website, hoặc hệ thống nào khác. Do nghèo nàn về ý tưởng và chỉ cốt ký được hợp đồng với khách hàng, các đơn vị này cố gắng thuyết phục khách hàng hướng ý thích theo tư vấn của mình.

Sẽ là bất lợi trong thời hội nhập!


Ai dám bảo, đây là ăn cắp logo của FPT? Chỉ đơn giản là giống nhau một cách hơi... khó tin!

Mặc dù, đã được "biến tấu" rất khéo léo, đủ để không ai có thể kiện tụng về bản quyền hay sao chép ý tưởng, ăn cắp thương hiệu. Song những sự “mượn tạm” này, rõ ràng có tác dụng nhất định đối với thị giác người dùng và có thể gây nên sự nhầm lẫn, khó chịu. Đó là chưa nói, nó rất gần với việc fake (giả mạo), mạo danh, hay phishing (lừa đảo) mà VietNamNet đã từng đề cập trong các chủ đề gần đây.

Theo như nghiên cứu từ một số chuyên gia phân tích thiết kế, thì độ thu hút sự chú ý của người duyệt web vào các website này là rất lớn trong lần đầu truy cập. Sự “mượn tạm hồn nhiên” này tưởng chừng như vô hại, thế nhưng đằng sau đó, là sự tổn hại về mặt uy tín cho các tên tuổi lớn, những nạn nhân bất đắc dĩ của những kẻ đạo ý tưởng thiết kế.

"Chưa nói hậu quả lớn, nhưng hiện tượng cả thị trường làm web mà cứ chạy theo các mẫu tiêu chuẩn do người khác làm ra, rõ ràng không có sự sáng tạo nào cả, rất thiếu chuyên nghiệp" - Bà Ứng Ngọc Anh bày tỏ.

Anh Trần Văn Bắc - Giám đốc một công ty tuyển dụng trực tuyến - thì cho rằng, hiện tượng "mượn tạm" giao diện web và "đạo" ý tưởng thiết kế trên mạng hiện nay đã thành vấn nạn, "chắc chắn là không thể kiểm soát nổi, song cũng không nên vì thế mà phản ứng thái quá."

"Tôi cho rằng CNTT Việt Nam mới chỉ đang ở buổi bình minh, thôi thì cứ chấp nhận sự nghèo nàn về ý tưởng một chút giống như người ta ai cũng mặc áo Vest. Sau này khi thị trường phát triển hơn nhu cầu sẽ buộc người nổi bật phải có nhà tạo mẫu riêng cho mình!" - Anh Bắc lấy ví dụ dí dỏm.

Tuy nhiên, đại đa số giới chuyên môn có phản ứng khá gay gắt. Anh Hùng - Giám đốc một công ty truyền thông bức xúc: "Vẫn biết nền CNTT nước nhà còn rất non trẻ, nhưng không phải vì lẽ đó, mà chúng ta có thể chấp nhận sự “mượn tạm” hồn nhiên tới... vô duyên như vậy. Ai cũng thấy được sự bực tức của người dùng, người bị sao chép ý tưởng, những cái nhìn từ bên ngoài trong thời kỳ hội nhập sẽ hướng vào chúng ta bất lợi như thế nào
".

Nhắc tới vấn đề này nhiều người chỉ còn biết lắc đầu nói vui: "Hết đạo văn, đạo tranh, đạo nhạc, đạo game, Việt Nam bây giờ còn xuất hiện cả đạo... giao diện website."

Thế Phong

Theo VietNamNet
  • 650