Những chiến binh động vật hàng đầu trong chiến tranh (I)

  •  
  • 5.889

Con người đã huy động động vật hỗ trợ tham chiến chống kẻ thù từ thuở bình minh của chiến tranh. Và cho tới tận ngày nay, quân đội của một số nước thậm chí đã sử dụng các chiến binh động vật trong một phạm vi rộng lớn, từ dò tìm bom mìn tới tuần tra bờ biển. Dưới đây là các chiến binh động vật hàng đầu trong các cuộc chiến tranh cả ở thời cổ đại và hiện đại theo thống kê của trang Live Science.

Bom dơi

 

Những động vật có vú bay về đêm này đã trở thành một phần của một thí nghiệm động vật kỳ quái trong Thế chiến II. Tức giận trước sự tấn công của Nhật Bản vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, một bác sĩ phẫu thuật nha khoa đã đề nghị gắn những quả bom lửa nhỏ vào các con dơi. Việc này nhằm tạo ra hàng ngàn ngọn lửa nhỏ khắp các thành phố của Nhật Bản khi những con dơi này bay tới đậu dưới mái của các tòa nhà.

Tuy nhiên, việc thực hiện ý tưởng gặp lúng túng khi được Tổng thống Roosevelt "bật đèn xanh". Nhiều con dơi bất hợp tác đơn giản đã thả mình rơi như đá hoặc bay mất, dù quân đội Mỹ sử dụng tới 6.000 động vật có vú này trong các thí nghiệm của họ. Hải quân Mỹ đã tiêu tốn 2 triệu USD sau khi xúc tiến kế hoạch và cuối cùng đã phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, các quả bom dơi rốt cuộc đã tìm được cách trở thành mồi lửa, thiêu rụi một ngôi làng của Nhật, một nhà chứa máy bay của quân đội Mỹ và xe hơi của một vị tướng. Ngày nay, các nhà khoa học thuộc Lầu Năm góc đang nghiên cứu các cơ chế bay của dơi với hy vọng có thể tìm thấy cảm hứng cho những thiết kế máy bay và robot do thám trong tương lai.

Kỵ binh lạc đà

 

Lạc đà hiện chỉ được một số ít quân đội hiện đại điều động tham gia tuần tra. Tuy nhiên, có thời, loài động vật này từng tạo thành những đội kỵ binh lạc đà hùng mạnh ở một số khu vực trên thế giới. Lạc đà từng rất hữu ích ở những vùng khô cằn hay các khu vực sa mạc của Bắc Phi và Trung Đông thời cổ đại vì chúng có khả năng chống chịu những điều kiện khắc nghiệt và thường xuyên thiếu nước. Mùi của lạc đà cũng được cho là gây sợ hãi cho các đội chiến mã của kẻ thù.

Người Parthia và người Ba Tư Sassanid thỉnh thoảng bọc giáp cho lạc đà của họ để biến chúng thành những kỵ binh thiết giáp hạng nặng (trong ảnh là lạc đà được bọc giáp, trang bị pháo và chuyên chở các kỵ binh người). Các chiến binh Ảrập thường cưỡi lạc đà trong các cuộc tấn công chống lại những bộ lạc khác hoặc trong những cuộc chinh phục người Hồi giáo ở Bắc Phi và Trung Đông. Vai trò chiến đấu của lạc đà sụt giảm nhanh chóng với sự phát triển của súng trong suốt những năm 1700 và 1800. Tuy nhiên, chúng vẫn được tướng Anh Lawrence điều động tham gia cùng lực lượng người Arập trong Thế chiến thứ nhất.

Vũ khí ong

 

Các con ong được tự nhiên ban tặng vòi đốt - một thứ vũ khí hiệu quả khi bị chọc tức. Người Hy Lạp cổ đại, La Mã và các nền văn minh khác đôi khi sử dụng côn trùng như những vũ khí nhỏ để chống kẻ thù trong chiến tranh. Những kẻ bao vây đôi khi bắn các tổ ong qua các bức tường thành, và lực lượng bảo vệ Themiscyra của Hy Lạp được cho là đã đáp trả những kẻ tấn công La Mã bằng tổ ong. Người Heptakometes ở vùng Trebizond của Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí lừa lính La Mã dưới sự chỉ huy của Pompey bằng việc cống nộp mật ong độc hại, dẫn đến thất bại của đội quân La Mã bị nhiễm độc và nôn mửa.

Việc tận dụng những con ong bị chọc giận tiếp tục diễn ra trong các cuộc vây hãm lâu đài thời Trung cổ cũng như trong Thế chiến thứ nhất và chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra cách những cách sử dụng loài ong hòa bình hơn thông qua việc huấn luyện loài côn trùng này phát hiện các quả mìn gài dưới đất.

Lính tuần tra sư tử biển

 

Các con sư tử biển California từng được vinh danh vì cống hiến trong chương trình động vật có vú ở biển của Hải quân Mỹ, cùng với cá heo và cá voi trắng. Những động vật biển này có tầm nhìn trong ánh sáng yếu và khả năng nghe dưới nước tuyệt vời. Chúng thậm chí có thể bơi với vận tốc 40 km/h và lặn nhiều lần tới độ sâu 300 mét.

Hải quân Mỹ do đó đã đào tạo sư tử biển trở thành lính quét thủy lôi, có thể xác định vị trí và đánh dấu các quả mìn. Các con vật này thậm chí có thể gắn một chiếc cùm chân đặc biệt vào các thợ lặn con người hay những kẻ phá hoại, cho phép các thủy thủ lôi những nghi phạm lên bề mặt. Một con sư tử biển được trang bị đặc biệt cũng mang theo các camera để quay video trực tiếp dưới nước. Chỉ một con sư tử biển, hai con người điều khiển và một chiếc thuyền cao su có thể thay thế một tàu hải quân cùng toàn bộ phi hành đoàn và một nhóm thợ lặn người đi kèm trong việc tìm kiếm các đối tượng dưới đáy đại dương.

Sứ giả bồ câu

Các sứ giả chim bồ câu đã chuyển tải thông điệp cho các kẻ chinh phạt và tướng lĩnh trong suốt lịch sử loài người, nhờ vào khả năng dẫn đường và kỹ năng điều hướng tuyệt vời của chúng. Những khả năng thiên bẩm cho phép chúng vẫn có thể quay trở về nhà sau sứ mệnh kéo dài hàng trăm dặm. Tuy nhiên, chim bồ câu thu được nhiều chiến tích quân sự nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất, khi mà lực lượng quân Đồng minh sử dụng tới 200.000 chim bồ câu để truyền tin.

Một con chim bồ câu được đặt tên Cher Ami, thậm chí còn kiếm được tặng thưởng huân chương Croix de Guerre của Pháp vì đã chuyển thành công 12 thông điệp giữa các pháo đài tại khu vực Verdun, Pháp. Cher Ami đã chuyển thông điệp cuối cùng bất chấp các vết thương nghiêm trọng vì trúng đạn, và được cho là đã cứu "Tiểu đoàn đã mất" thuộc sư đoàn bộ binh thứ 77 của Mỹ, vốn bị lực lượng Đức phong tỏa. Một nhóm chim bồ câu khác được trao tặng 32 huy chương dũng cảm Dickin của Anh cho động vật vì thành tích trong Thế chiến thứ hai, khi quân đội Đồng minh ngừng sử dụng vô tuyến và dựa vào những con chim bồ câu để truyền tin. Chim bồ câu kể từ đó nghỉ hưu khỏi các sứ mệnh quân sự vì những tiến bộ trong công nghệ viễn thông.

Theo Vietnamnet
  • 5.889