Những chiến binh động vật hàng đầu (II)

  •   4,52
  • 3.835

Theo trang trang Live Science, có lẽ, không có động vật nào khác có thể đóng một vai trò rất lớn trong lịch sử chiến tranh như ngựa. Ngoài loài động vật này, cá heo, la, voi, chó, ... cũng được liệt vào danh sách những chiến binh động vật hàng đầu trong chiến tranh.

Cá heo hải quân

Cũng như sư tử biển, cá heo đã trợ giúp Hải quân Mỹ tuần tra các vùng biển từ những năm 1960. Những động vật có vú cư ngụ ở biển này đã sử dụng hệ thống định vị bằng siêu âm sinh học phức tạp của chúng để tìm kiếm bom mìn thông qua tiếng vang. Một con cá heo sẽ phát đi một loạt tiếng lách cách về phía các đối tượng và thu lại những phản hồi. Điều đó cho phép nó có được một hình ảnh của đối tượng và sau đó có thể báo cáo tới người quản lý bằng cách sử dụng những phản hồi "có" hoặc "không" nhất định.

Người quản lý cũng có thể theo dõi một phản hồi "có" bằng cách gửi các con cá heo tới đánh dấu vị trí của đối tượng cùng với một dây phao dò. Khả năng phát hiện dấu vết của bom mìn này đã được tận dụng trong cả hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh và cuộc chiến Iraq. Trong đó, đội cá heo của Hải quân Mỹ từng góp phần giúp xóa sổ cảng Umm Qasr ở miền nam Iraq trong cuộc chiến sau này. Cá heo cũng có thể dò tìm các thợ lặn của đối phương. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ phủ nhận những lời đồn đại về việc huấn luyện cá heo sử dụng vũ khí chống lại con người.

Voi chiến

Loài động vật có vú lớn nhất còn sống trên Trái đất đã để lại dấu ấn của chúng trong chiến tranh như những sinh vật có khả năng tàn phá thành lũy của quân địch. Voi có thể giẫm đạp, dùng ngà đâm binh lính và thậm chí dùng vòi cuốn, quăng quật những con người không may mắn. Đôi khi, voi chiến được bọc giáp hoặc chuyên chở các cung thủ và lính phóng lao. Các vương quốc cổ đại của Ấn Độ có thể là những đế chế đầu tiên thuần dưỡng voi thành những cỗ xe tăng sống, nhưng việc làm này nhanh chóng phổ biến đến người Ba Tư ở Trung Đông.

Alexander Đại đế từng phải đối mặt với voi chiến của kẻ thù trong những cuộc chinh phạt của ông ở thế giới cổ đại, và cuối cùng, người Hy Lạp, Carthage và La Mã đã sử dụng voi chiến vào những thời điểm nhất định. Ngựa sợ khi nhìn thấy và ngửi thấy mùi của voi. Trong khi đó, binh lính người cũng đã phải có nỗi ám ảnh tâm lý khi phải đương đầu với loài động vật có vú khổng lồ này. Tuy nhiên, voi có thể nổi điên vì sợ hãi hay đau đớn sau khi nhấn quá nhiều hình phạt. Và sự ra đời của đại bác trên chiến trường về cơ bản đã kết thúc vai trò chiến đấu của chúng.

Đội quân la

Các con la đã đóng một vai trò thầm lặng nhưng rất quan trọng trong suốt lịch sử chiến tranh của loài người, thông qua công việc vận tải thực phẩm, vũ khí và các nhu yếu phẩm khác cho quân đội. Được sinh ra từ sự lai tạp lừa đực với ngựa cái, la được ưa chuộng hơn ngựa trong việc vận tải vì khả năng chịu đựng dẻo dai hơn của chúng. Các con la cũng thể hiển sự tinh khôn hơn và bướng bỉnh hơn.

Tuy nhiên, các quân đoàn La Mã cổ đại đã huy động la tham gia các cuộc hành quân với tỉ lệ gần 10 lính lê dương kèm 1 con la. Bản thân Napoleon Bonaparte từng cưỡi một con la qua dãy núi Alps, ngoài việc đưa loài động vật này tham gia các đoàn chuyên chở hành lý của ông. Chỉ tính riêng quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 571.000 con ngựa và la trong Thế chiến thứ nhất ở châu Âu trong Thế chiến I, và mất khoảng 68.000 con trong các cuộc giao tranh. Thậm chí, cho tới nay, các con la vẫn tiếp tục tỏ ra hữu dụng vì các lực lượng đặc nhiệm, thủy quân lục chiến và binh sĩ Mỹ vẫn dựa vào loài động vật này để duy trì nguồn cung cấp hậu cần mở cho những tiền đồn xa xôi ở các vùng núi của Afghanistan.

Đội quân chó

Hầu hết mọi người coi chó - người bạn thân thiết nhất của con người là một sinh vật dễ thương. Tuy nhiên, chính con người đã để loiaf động vật này tham chiến trong hàng ngàn năm qua. Những giống chó lớn đóng vai trò như lính chiến đấu trên chiến trường và là lính gác phòng thủ cho tất cả mọi người từ người Ai Cập cho tới thổ dân Mỹ. Người La Mã đã trang bị các cổ áo nhọn và áo giáp cho một số con chó của họ.

Những kẻ xâm lược Tây Ban Nha cũng điều động các con chó chiến bọc giáp trong cuộc chinh phạt Nam Mỹ vào những năm 1500. Nhiều phe phái và các quốc gia Châu Âu đã dùng chó chiến trong các cuộc xung đột thời cổ đại và suốt thời Trung cổ, nhưng các cuộc chiến tranh hiện đại hơn làm giảm vai trò của loài động vật này trên chiến trường thành làm sứ giả truyền tin, theo dõi, trinh sát và lính gác. Quân đội Mỹ và một số lực lượng khác gần đây huấn luyện chó nhiều hơn để đảm nhiệm công việc đánh hơi, phát hiện bom mìn ở Iraq và Afghanistan, nơi mà những bạn đồng hành bốn chân này được trang bị cả áo chống đạn cho riêng chúng.

Ngựa chiến

Có lẽ, không có động vật nào khác có thể đóng một vai trò rất lớn trong lịch sử chiến tranh như ngựa. Con người thuần hóa ngựa sớm nhất cách đây 5.500 năm ở Kazakhstan hiện đại, và sự phổ biến của ngựa trên khắp lục địa Á - Âu đã sớm dẫn đến việc sử dụng chúng trong chiến tranh quy mô lớn. Người Ai Cập và Trung Quốc cổ đại đã sử dụng xe ngựa kéo như một dạng chiến đấu cơ ổn định, trước khi sáng chế ra một yên cương và bàn đạp giúp tăng hiệu chiến đấu của chiến mã. Các hiệp sĩ mặc áo giáp trên lưng ngựa có thể gây nguy hiểm và chống lại hầu hết các loại lính chạy bộ.

Sự ổn định từ ngựa chiến được đóng yên cương và bàn đạp chân đã cho phép người Mông Cổ có thể tấn công và bắn tên hiệu quả từ trên lưng ngựa, đồng thời đem đến cho họ sự linh động để chinh phục phần lớn các vùng đất đã biết đến trên thế giới. Sự xuất hiện của ngựa trên các chiến trường thường báo hiệu sự khởi đầu của kết thúc đối với các nền văn minh thiếu phương tiện hỗ trợ quân lính tương tự. Vai trò chính của ngựa trên chiến trường đã không hề giảm sút cho tới kỷ nguyên chiến tranh hiện đại, khi xe tăng và súng máy nhập cuộc.

Theo Vietnamnet
  • 4,52
  • 3.835