Ung thư phổ biến ở nhiều loài động vật, song khoa học vẫn còn nhiều điều chưa rõ, chẳng hạn động vật nào dễ bị ung thư, vì sao?
Theo lẽ thường, các động vật sống lâu và có thân hình to lớn sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Cơ thể chúng có nhiều tế bào hơn, do đó sẽ trải qua nhiều lần phân chia tế bào hơn trong suốt vòng đời. Mỗi lần phân chia tế bào đều có khả năng gây đột biến nên chúng sẽ có khả năng mắc ung thư cao hơn.
Tuy nhiên, nghịch lý Peto - được đặt tên theo nhà thống kê và nhân chủng học Richard Peto - cho rằng điều này không đúng: tỉ lệ ung thư không tương quan với kích thước cơ thể.
Chẳng hạn cá voi xanh - loài động vật to lớn nhất nhưng dường như rất hiếm khi mắc ung thư. Trong khi đó, chúng ta ghi nhận hàng chục triệu ca ung thư mỗi năm ở người, theo trang IFLScience ngày 29-10.
Động vật to lớn không phải lúc nào cũng có nguy cơ mắc ung thư cao - (Ảnh: Biodesign Institute at Arizona State University).
Vậy nếu không phải là loài động vật lớn thì loài nào có nguy cơ ung thư cao nhất?
Trong 10 năm qua, ông Carlo Maley, tác giả chính của nghiên cứu về ung thư trong thế giới động vật, cùng các đồng nghiệp đã kiểm tra hơn 16.000 hồ sơ pháp y của 292 loài động vật có xương sống để hoàn thiện bức tranh về tỉ lệ ung thư ở động vật.
Theo đó, tỉ lệ mắc ung thư tăng theo kích thước cơ thể, song mức tăng này rất nhỏ và không đủ để bác bỏ nghịch lý Peto. Đồng thời, dường như để ủng hộ nghịch lý này, tỉ lệ ung thư có xu hướng giảm ở những động vật có thời gian mang thai dài hơn, điều này vốn liên quan đến việc có cơ thể lớn hơn.
Nghiên cứu cho thấy các động vật to lớn đã tiến hóa cơ chế ức chế ung thư. "Những loài lớn hơn, sống lâu hơn đầu tư nhiều hơn vào việc bảo dưỡng cơ thể. Tôi trông đợi chúng phòng thủ tốt hơn trước ung thư, vì chúng phải làm vậy để phát triển lớn và sống lâu. Về mặt tiến hóa, đây không hẳn là một nghịch lý", bà Amy Boddy, một tác giả khác của nghiên cứu, nói.
Ví dụ, loài voi có 20 bản sao của gene ức chế khối u P53. Đây là lý do chúng hiếm khi bị ung thư dù to lớn.
Nhóm nghiên cứu cho biết mỗi loài đều có câu chuyện riêng về lý do và cách chúng cần để chống lại ung thư. Do đó tỉ lệ ung thư và chiến lược sinh tồn ở các loài động vật có xương sống là khác nhau.
Voi có 20 bản sao của gene ức chế khối u P53 - Ảnh: Shutterstock
Nhóm phát hiện ra rằng một số loài có nguy cơ ung thư cao hơn những loài khác. Trong số những loài có tỉ lệ ung thư cao bất thường có loài chồn sương (63% khả năng phát triển các khối u), thú có túi (56%) và nhím (45%).
Ngược lại, chim cánh cụt chân đen có tỉ lệ ung thư thấp nhất (chưa tới 0,4%), kế đó là cá heo (dưới 1,3%) và dơi ăn quả Rodrigues (dưới 1,6%).
Ngoài ra, động vật có vú thường có tỉ lệ cao nhất phát triển cả u lành và ác tính. Tiếp theo sau là bò sát, chim và động vật lưỡng cư.
Nhìn chung, nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự tương quan giữa kích thước, tuổi thọ, thời gian sinh sản và khả năng kháng ung thư thậm chí phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết về ung thư ở những loài khác, chúng ta có thể tăng cường cơ hội để có thể chống lại căn bệnh chết người này ở chính chúng ta.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Discovery.