Biến đổi khí hậu khiến mùa đông trở nên ấm hơn, tạo điều kiện lý tưởng cho gián, chuột, muỗi… xuất hiện ở những khu vực địa lý mới.
Các chuyên gia dự đoán 1/3 động thực vật trên Trái Đất, bao gồm hàng triệu loài, có thể biến mất vào năm 2050 nếu mức độ thải khí nhà kính hiện nay tiếp diễn. Một số loài đã biến mất nhưng nhiều loài khác có sức chịu đựng bền bỉ với thay đổi nhiệt độ và gián đoạn môi trường sống. Vài loài không chỉ có thể sống sót mà còn phát triển mạnh trong thế giới ấm lên, theo Business Insider.
Biến đổi khí hậu cho thấy nhiều loài có thể hưởng lợi từ thay đổi điều kiện môi trường, mở rộng phạm vi sinh sống tới các khu vực địa lý mới từng khắc nghiệt với chúng, theo Giovanni Strona, nhà nghiên cứu sinh thái ở Trung tâm nghiên cứu hợp tác thuộc Liên minh châu Âu. Phần lớn những loài chiến thắng biến đổi khí hậu này đều là loài ăn xác thối bền bỉ, sinh sản nhanh và sống ở thành phố. Một số được coi là vật gây hại đe dọa sức khỏe con người.
Gián tiến hóa khả năng sống dai suốt hàng trăm triệu năm. (Ảnh: iStock).
Gián là kẻ thù tồi tệ nhất của cư dân ở thành phố. Loài côn trùng khó tiêu diệt này có thể sống ở mọi ngóc ngách trong môi trường đô thị, từ đường hầm tàu điện ngầm đến chung cư cao tầng. Khi gián xuất hiện, việc loại bỏ chúng cực kỳ khó khăn. Đó là vì gián tiến hóa để trở thành một trong những động vật sống dai nhất thế giới. Đây là loài chân khớp cổ đại đã tồn tại hơn 300 triệu năm, sống sót qua mọi thách thức mà chúng đối mặt. Chúng thậm chí vượt qua sự kiện tuyệt chủng ở kỷ Phấn Trắng - Cổ Cận, xóa sổ 80% động vật trên Trái Đất.
Gián vượt qua những thời kỳ thay đổi môi trường cực hạn, bao gồm biến đổi khí hậu. Chúng ưa điều kiện nóng ẩm và có thể sống sót ở nhiệt độ lên tới 48,9 độ C. Ngoài ra, gián có thể sống một tháng không cần thức ăn và một tuần không cần nước uống. Về thức ăn, chúng không hề kén chọn. Những đặc điểm đó và lịch sử tồn tại lâu dài của chúng khiến các nhà khoa học tin rằng gián có thể sống tốt trong thế giới ấm lên, thậm chí sống lâu hơn con người.
Chuột sinh sản nhanh chóng với số lượng lớn quanh năm. (Ảnh: iStock).
Giống như gián, chuột ăn gần như bất cứ thứ gì và có thể sống hầu như khắp mọi nơi. Nhưng bí quyết thực sự phía sau sự bền bỉ của chúng là khả năng thích nghi. Chuột sinh sản với số lượng lớn. Chúng sinh sản quanh năm, đẻ khoảng 6 lứa mỗi năm. Quy mô trung bình mỗi lứa từ 8 đến 18 con, vì vậy chuột cái đẻ tới 108 con non trong một năm.
Nhờ sinh sản nhanh, chuột tiến hóa nhanh hơn nhiều động vật có vú khác, thích nghi với thay đổi trong môi trường hoặc khí hậu chóng vánh và hiệu quả hơn. Việc đẻ nhiều con non có nghĩa chuột có thể duy trì số lượng lớn. Vì vậy khi thách thức nảy sinh, ít nhất một số cá thể có khả năng sống sót lớn hơn.
Nghiên cứu chỉ ra nhiệt độ toàn cầu tăng lên chỉ giúp chuột dễ sinh sản hơn. Do mùa đông trở nên ấm hơn, ít chuột chết do thời tiết lạnh hơn và càng nhiều chuột sinh sản quanh năm hơn. Số lượng chuột ở New York đã tăng gần một triệu con trong thập kỷ qua, theo ước tính năm 2023 của M&M Pest Control. Chuột có thể truyền bệnh nguy hiểm cho con người như virus Hanta, leptospirosis, và salmonella. Nếu chúng phát triển mạnh trong thế giới ấm lên, những dịch bệnh này càng có nguy cơ lây lan.
Muỗi là vật chủ truyền những bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết và Zika. (Ảnh: iiievgeniy)
Muỗi cũng là một vật trung gian truyền bệnh phổ biến trên khắp thế giới. Loài côn trùng hút máu nhỏ xíu này có thể mang một loạt virus và ký sinh trùng, bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết, Zika,... Khi truyền sang người, những dịch bệnh nêu trên có thể gây chết người. Mỗi năm, hơn một triệu người trên thế giới chết do bệnh liên quan đến muỗi đốt.
Bệnh do muỗi đốt phổ biến nhất ở châu Phi, vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Mỹ. Đó là vì muỗi phát triển mạnh trong khí hậu nóng ẩm. Nhưng do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ và thay đổi xu hướng lượng mưa, phạm vi sinh sống của chúng đang mở rộng và chuyển tới các khu vực địa lý mới. Ví dụ, một loài muỗi truyền bệnh từ Nam Mỹ xuất hiện ở Florida năm 2021.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ ấm lên có thể đẩy nhanh sự phát triển của muỗi, tỷ lệ đốt và thời gian ủ bệnh bên trong cơ thể chúng. Điều này có nghĩa biến đổi khí hậu có thể khiến bệnh do muỗi đốt lan tới những địa điểm mới, và tăng số ca mắc bệnh trên thế giới. Năm 2023, Florida và Texas ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt rét lây ở địa phương đầu tiên trong 20 năm. Ở châu Âu, dịch sốt xuất huyết tăng vọt vào năm 2022, chủ yếu do nắng nóng và ngập lụt.