Những thành tựu y học nổi bật thế giới năm 2015

  •  
  • 1.508

Siêu kháng sinh Teixobactin, thận nhân tạo từ tế bào gốc và tay giả điều khiển bằng ý nghĩ là những thành tựu quan trọng của y học thế giới năm 2015.

Tìm ra siêu kháng sinh chữa hầu hết các bệnh

Tháng 1 năm nay, các nhà khoa học Đức, Mỹ và Anh phát hiện thuốc kháng sinh Teixobactin có khả năng chữa trị hiệu quả nhiều bệnh, trong đó có tụ cầu vàng kháng Methicillin và lao kháng thuốc. Teixobactin đặc biệt linh hoạt trong việc chống lại các vi khuẩn dạ dày nguy hiểm và các vi trùng gây hại cho tim. Quan trọng hơn, loại thuốc này không gây tác dụng phụ.

Các nhà khoa học tin rằng vi khuẩn sẽ không thể kháng lại Teixobactin trong ít nhất 30 năm tới. Thuốc sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2019 dưới dạng thuốc tiêm.

Bộ phận giả điều khiển bằng suy nghĩ

Tháng 2, các nhà khoa học thuộc Đại học Y Vienna (Áo) và Trung tâm Y tế Göttingen (Đức) đã cho ra mắt sản phẩm tay giả điều khiển bằng ý nghĩ theo công nghệ tái cấu trúc điện tử. Phần tay giả được kết nối với hệ thần kinh và cơ bắp giúp bệnh nhân có thể dùng tâm trí điều khiển mọi hành động, từ ném một quả bóng đến cầm một quả trứng. Sản phẩm này sẽ hỗ trợ người khuyết tật phục hồi lại khả năng hoạt động và phản ứng một cách tự nhiên, nhanh chóng và chân thật hơn.

Bệnh nhân sử dụng cánh tay giả để cầm trứng.
Bệnh nhân sử dụng cánh tay giả để cầm trứng. (Ảnh: AP).

Tiếp đó vào tháng 5, loại chân giả điều khiển bằng ý nghĩ được chế tạo thành công nhờ hãng kỹ thuật cơ khí y sinh Össur (Iceland).

Lần đầu tiên ghép thành công hộp sọ

Tháng 6 năm nay, James Boysen (Mỹ) trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép hộp sọ còn nguyên mô da đầu sau khi mắc nhiều loại ung thư khiến não bị tổn thương. Các bác sĩ đã lên kế hoạch cho cuộc đại phẫu này trong hơn hai năm và huy động 50 chuyên gia y tế về vi phẫu, thần kinh và chỉnh hình.

Kỹ thuật in 3D phát triển vượt bậc

Tháng 7, Han Han 3 tuổi (Trung Quốc) đã đi vào lịch sử y học thế giới khi trở thành em bé đầu tiên bị não úng thủy được ghép thành công hộp sọ 3D. Trước đây, do chất lỏng tích tụ trong các hốc não, đầu bé gái lớn hơn 4 lần so với kích thước thông thường và có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cơ thể không thể nâng đỡ chiếc đầu khiến Han Han chỉ nằm trên giường.

Bé gái Han Han là bệnh nhi đầu tiên bị não úng thủy được ghép thành công hộp sọ 3D.
Bé gái Han Han là bệnh nhi đầu tiên bị não úng thủy được ghép thành công hộp sọ 3D. (Ảnh: Medical Daily).

Trải qua ca phẫu thuật 17 giờ do các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân cấp II tỉnh Hồ Nam thực hiện, Han Han đã được cấy ghép hộp sọ 3D bằng hợp kim titan, tái tạo da đầu và nạo vét chất lỏng. Các bác sĩ cho biết hộp sọ của em bé sẽ phục hồi hoàn toàn, xương và mô xung quanh phát triển bao phủ toàn bộ phần hộp sọ được ghép giúp tăng cường độ bền vững.

Đến tháng 9, một bệnh nhân 54 tuổi Tây Ban Nha bị thương nặng vùng xương sườn và xương ức được cấy ghép các bộ phận trên nhờ kỹ thuật 3D với sự trợ giúp của Tổ chức nghiên cứu Khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO).

Nuôi nội tạng từ tế bào gốc

Tháng 9, theo báo cáo trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS), các nhà khoa học Nhật Bản cho biết đã tiến gần hơn tới việc phát triển thận thay thế với đầy đủ chức năng sau khi đạt được kết quả khả quan trên động vật.

Thay vì chỉ phát triển quả thận cho vật chủ, tiến sĩ Takashi Yokoo và các đồng sự tại Đại học Y dược Tokyo Jikei sử dụng phương pháp tế bào gốc và "nuôi" thêm ống thải nước tiểu cùng một bàng quang tương thích để kết nối với bàng quang hiện có của động vật. Thử nghiệm trên chuột và heo cho thấy quả thận mới hoạt động hoàn toàn bình thường. Đây được coi là bước tiến lớn mang lại hy vọng cho những bệnh nhân cần được cấy ghép nội tạng trong tương lai.

Đột phá chữa ung thư máu bằng ghép gene

Tháng 11, bé Layla Richards một tuổi (Anh) khỏi bệnh bạch cầu lympho cấp tính sau 2 tháng được tiêm một ml tế bào gen được chỉnh sửa. Phương pháp chỉnh sửa gen này được bác sĩ tại GOSH, các nhà khoa học thuộc Đại học London (UCL) cùng công ty công nghệ sinh học Pháp Cellectis phối hợp thực hiện. Phương pháp hoạt động trên nguyên tắc thêm gen mới vào tế bào miễn dịch T, sau đó sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene TALEN để tế bào T trở nên "vô hình" với thuốc trị bệnh bạch cầu rồi tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Bé Layla Richards khỏi ung thư máu nhờ gene chỉnh sửa.
Layla Richards khỏi ung thư máu nhờ gene chỉnh sửa. (Ảnh: Medical Daily).

Các chuyên gia nhận định, nếu thành công ở Layla được duy trì và nhân rộng cho những bệnh nhân khác, chỉnh sửa gen sẽ trở thành một bước tiến lớn trong việc điều trị ung thư máu và các loại ung thư khác.

Vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới

Ngày 9/12, Mexico chính thức công nhận Dengvaxia, loại vắc xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới. Dengvaxia được kỳ vọng sẽ giúp Mexico giảm 104 ca sốt xuất huyết tử vong, 8.000 trường hợp nhập viện và tiết kiệm 65 triệu USD cho chi phí y tế.

Bên cạnh đó, vắc xin sốt rét cũng đã ra mắt vào năm nay tuy nhiên vẫn đang tiếp tục được kiểm tra theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới sau khi không cho hiệu quả cao trong đợt thử nghiệm tại châu Phi.

Theo VnExpress
  • 1.508