Nữ bác sĩ đầu tiên của quân đội Mỹ

  •  
  • 404

Không chỉ là nữ bác sĩ đầu tiên trong quân đội Mỹ, Mary Edwards Walker còn trở thành người phụ nữ duy nhất được trao Huân chương Danh dự.

Đáng tiếc, tên tuổi Mary Edwards Walker hiếm khi được nhắc đến trong sách vở. Theo NPR, Quốc hội Mỹ từng có ý định lấy lại Huân chương Danh dự của bà.

Sinh ngày 26/11/1832, Walker chưa bao giờ quan tâm đến cuộc sống bình thường. Ngay từ thời thơ ấu, bà đã ghét những quy định về xiêm y, ứng xử dành cho con gái. May mắn, cha mẹ Walker đều là những người cởi mở, ủng hộ bình đẳng giới và cải cách trang phục.

Bác sĩ Mary Edwards Walker với Huân chương Danh dự trên ngực.
Bác sĩ Mary Edwards Walker với Huân chương Danh dự trên ngực. (Ảnh: APIC).

Được hưởng nền giáo dục vượt trội so với bạn bè đồng lứa, Walker quyết định trở thành bác sĩ. Thời kỳ ấy, người Mỹ đã có nữ bác sĩ đầu tiên nhưng hầu hết trường y vẫn cấm phái đẹp. Walker theo học tại Trường y Syracuse và nhận bằng năm 1855. Ở tuổi 23, bà trở thành nữ bác sĩ thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, bắt đầu hành nghề tại phòng khám riêng ở New York cùng chồng là Albert Miller.

Năm 1860 nội chiến bùng nổ. Walker nộp đơn ứng tuyển vị trí bác sĩ cho quân đội liên minh miền Bắc. Thế nhưng dù chưa đầy 100 bác sĩ phẫu thuật được cấp bằng vào giai đoạn đầu cuộc chiến, Walker vẫn bị từ chối. Không nản lòng, bà chấp nhận làm y tá tại bệnh viện dã chiến. Trong trận đánh Fredericksburg và Chattanooga, Walker hoạt động như một bác sĩ phẫu thuật chiến trường không lương.

Tháng 9/1863, Walker cuối cùng được ký hợp đồng với trung đoàn bộ binh Ohio 52, trở thành nữ bác sĩ phẫu thuật đầu tiên trong quân đội Mỹ. Các đồng nghiệp nam cho động thái này là "sự báng bổ y học", từ chối hành nghề bên cạnh Walker, thậm chí đề nghị cấp trên bãi nhiệm bà.

Không nao núng, Walker tin tưởng mình được dành cho chiến trường. Bà ăn mặc như nam giới, sẵn sàng xông pha giữa chốn bom đạn, thường xuyên vượt tuyến để điều trị cho cả thương binh lẫn dân thường. Bằng tài năng và lòng trung thành, Walker dần dần giành được sự tín nhiệm của quân lính. Tuy nhiên, bà tiếp tục làm việc không lương cho đến khi chiến tranh gần kết thúc.

Ngày 10/4/1864, vị bác sĩ bị liên minh miền Nam bắt và tống giam tại Castle Thunder, nhà ngục nổi tiếng tàn bạo ở Richmond. Theo các tài liệu ghi lại, nữ tù nhân mới khoảng trên 30 tuổi, xấu xí gầy gò, ăn mặc kỳ quái và đầy vẻ thách thức. Quãng thời gian ở Castle Thunder ám ảnh Walker đến tận cuối đời.

Vài tháng sau, theo chương trình trao đổi tù binh, Walker được trả tự do, quay về với vị trí nhân viên y tế. Năm 1865, Tổng thống Andrew Johnson quyết định trao cho bà Huân chương Danh dự. Mary Edwards Walker chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận tấm huân chương quân sự cao quý nhất nước Mỹ.

Không phải ai cũng mừng cho Walker. Năm 1917, tên bà cùng 910 người khác bị gạch khỏi danh sách nhận Huân chương Danh dự do các điều khoản bị thay đổi. Với bản tính cứng rắn, Walker từ chối trao trả lại huân chương, tiếp tục đeo nó trên y phục hàng ngày kèm lời nhắn tới chính phủ: "Các ngài sẽ nhận được nó chừng nào tôi chết".

Mary Edwards Walker trong giai đoạn từ năm 1911-1917.
Mary Edwards Walker trong giai đoạn từ năm 1911-1917. (Ảnh: Library of Congress).

Sau thời gian phục vụ trong chiến tranh, Walker bị tàn tật. Từ ngày 13/6/1865, bà được trợ cấp 8,5 USD mỗi tháng, đến năm 1899 số tiền này tăng lên 20 USD. Bên cạnh nghề y, vị bác sĩ viết lách và giảng dạy về chăm sóc sức khỏe, ăn uống điều độ, quyền của phụ nữ, cải cách trang phục. Bà thường xuyên bị bắt vì ăn mặc giống nam giới. Trả lời những chỉ trích, Walker khẳng định: "Tôi không mặc quần áo của đàn ông, tôi mặc quần áo của chính tôi".

Walker qua đời ngày 21/2/1919 ở tuổi 87 sau thời gian dài bị bệnh. Lễ tang đơn giản với một lá cờ Mỹ treo trên quan tài. Bà yên nghỉ tại New York trong bộ com-lê màu đen thay vì váy.

Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter phục hồi Huân chương Danh dự cho Mary Edwards Walker, ca ngợi bà về "lòng hy sinh, yêu nước, sự cống hiến trung thành không sợ hãi dành cho quốc gia bất chấp bị phân biệt đối xử do giới tính".

Cập nhật: 15/03/2016 Theo VnExpress
  • 404