Nụ hôn vĩnh cửu của cặp tình nhân bên nhau 2.800 năm

  •  
  • 2.049

Hai bộ xương tại một địa điểm khảo cổ ở Iran nằm trong tư thế hướng về nhau như thể trao cho nhau nụ hôn vĩnh cửu.

Năm 1972, Robert Dyson và nhóm nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, phát hiện hai bộ xương tại địa điểm khảo cổ Teppe Hasanlu, Iran, đang nằm hướng về nhau như thể đang trao cho nhau nụ hôn vĩnh cửu, theo Ancient Origins. Hai bộ hài cốt có niên đại 2.800 năm này được mệnh danh là "Đôi tình nhân Hasanlu".

Nụ hôn vĩnh cửu dài 2.800 năm của hai bộ xương tại Iran.
Nụ hôn vĩnh cửu dài 2.800 năm của hai bộ xương tại Iran. (Ảnh: Ancient Origins).

Teppe Hasanlu, một thành phố cổ nằm ở tây bắc Iran, liên tục có người sinh sống từ thiên niên kỷ 6 trước Công nguyên đến thế kỷ 3. Địa điểm khảo cổ này được khai quật bởi các nhà khoa học tại Bảo tàng Penn, Đại học Pennsylvania và Bảo tàng Metropolitan, Mỹ, từ năm 1956 đến 1974. Teppe Hasanlu từng nhiều lần bị hỏa hoạn tàn phá trong quá khứ.

Khi được trưng bày tại Bảo tàng Penn vào giữa thập kỷ 1970-1980, hai bộ xương trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận do các đặc điểm để xác định giới tính của bộ xương bên trái không rõ ràng.

Ban đầu một số nhà nghiên cứu cho rằng hai hài cốt này đều là nam giới. Tuy nhiên, các chuyên gia sau này cho rằng người nằm bên trái là phụ nữ do mang nhiều đặc điểm nữ tính hơn. Bộ xương "nữ" phía bên trái đang đưa tay chạm vào mặt người yêu.

Người nằm ở bên trái có độ tuổi khoảng 30-35 khi chết. Trong khi đó, người nằm ở bên phải được cho là một nam giới trẻ, có độ tuổi từ 20-22. Cả hai đều có những chấn thương và thương tích nghiêm trọng trên cơ thể. Theo các chuyên gia, họ chết ngạt cùng nhau khi Teppe Hasanlu bị phá hủy bởi một vụ hỏa hoạn lớn.

Cập nhật: 13/09/2017 Theo VnExpress
  • 2.049