Cuộc thảm sát của những người bản xứ và di cư từng khiến số lượng bò rừng bizon giảm từ 60 triệu xuống còn chưa đầy 1.000 con.
Bò rừng bison châu Mỹ (Bison bison) là động vật ăn cỏ phân bố chủ yếu ở Bắc Mỹ. Ngoài tự nhiên, tuổi thọ trung bình của loài vật này là 12 - 20 năm. Chúng nặng trung bình 420 - 1.000 kg, dài 2 - 3,5 m chưa tính đuôi. Chúng có cặp sừng cong và sắc nhọn, có thể dài tới 60 cm.
Núi xương sọ bò rừng bizon trong bức ảnh chụp năm 1870 đang chờ nghiền nhỏ và trộn thành phân bón. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Bò rừng bizon từng lang thang trên những đồng bằng với số lượng lên tới 60 triệu con, đáp ứng nhu cầu về thức ăn, quần áo, nơi trú ẩn và nhiên liệu để người bản xứ duy trì cuộc sống. Nhiều bộ lạc ở Mỹ vẫn coi bò rừng bizon là biểu tượng tinh thần thiêng liêng cho lịch sử của họ.
Tuy nhiên, quá trình mở rộng về phía tây trong suốt thế kỷ 19 gần như xóa sổ bò rừng bizon khỏi vùng đại bình nguyên Bắc Mỹ. Những người định cư sát hại 50 triệu con bò để lấy thức ăn và săn bắn giải trí. Bò rừng bizon đứng ở bờ vực biến mất hoàn toàn, theo Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ.
Bò rừng bizon có thể sẽ trở thành quốc vật của Mỹ. (Ảnh: Flickr).
Đến năm 1870, có ít nhất 10 triệu con bò rừng bison trong quần thể phía nam của vùng đồng bằng Bắc Mỹ, nhưng chưa đầy 20 năm sau, số lượng giảm xuống chỉ còn 500 cá thể hoang dã. Cuộc tàn sát chủ yếu được thúc đẩy bởi kinh tế và nhu cầu về đất của những người định cư. Ban đầu, việc nông dân Mỹ đưa gia súc đến chăn nuôi dẫn tới sự cạnh tranh về không gian với bò rừng bison. Sau đó, vào những năm 1870, chúng bị săn bắt để lấy da, lúc này đã trở nên dễ thuộc hơn do sự phát triển của ngành công nghiệp da.
Năm 1883, chỉ còn một vài con bò rừng bizon hoang dã sinh sống ở Mỹ và phần lớn tập trung ở công viên quốc gia Yellowstone. Năm 1900, toàn Bắc Mỹ có chưa đến 1.000 con bò.
Bò rừng bison cũng bị săn để chơi thể thao hoặc do cản đường - công nhân đường sắt sẽ giết đàn bò ở gần bất cứ đường ray nào để ngăn chúng cản trở hành trình của tàu. Quân đội Mỹ cũng khuyến khích giết loài vật này vì chính phủ liên bang hiểu rằng việc tiêu diệt chúng sẽ giúp kiểm soát số lượng thổ dân.
Cuộc thảm sát làm mất đi nguồn tài nguyên quan trọng nhất của người Mỹ bản xứ. Nhờ nỗ lực tập thể của những người chăn nuôi, các nhà bảo tồn, nhiều bộ lạc và nhà chức trách, bò rừng bizon đã hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng với số lượng hiện nay vào khoảng 500.000 con.