Các nhà khoa học Đức đã chứng minh được rằng loài ong sói, một loại ong vò vẽ có tên khoa học Philanthus chuyên ăn thịt ong mật, có khả năng sử dụng tổ hợp kháng sinh do các loài vi khuẩn cộng sinh tạo ra để bảo vệ ấu trùng của mình khỏi bệnh tật.
Điều này đã làm sáng tỏ thêm vai trò của kháng sinh trong tự nhiên cũng như có thể được áp dụng để điều chế ra các dược phẩm mới.
Các thông tin trên đã được đăng tải trên tạp chí Nature Chemical Biology số ra ngày 28/2.
Ong sói là loài làm tổ dưới lòng đất nên ấu trùng của chúng phải sống trong điều kiện độ ẩm cao, do đó thường xuyên phải chịu tác động của một số lượng lớn virus và các vi khuẩn gây bệnh.
Một nhóm các nhà khoa học đứng đầu gồm Martin Kaltenpoth và Ales Svatos thuộc trường Đại học Regensburg và Viện sinh thái hóa học mang tên Max Planck (Đức), đã lần đầu tiên chứng minh được rằng để bảo vệ ấu trùng khỏi các sinh vật gây bệnh, loài ong sói đã sử dụng tổ hợp chín loại kháng sinh được phân bố đều trong vỏ phôi thai.
Để sản sinh ra các kháng sinh này, ong sói sử dụng một số dạng vi khuẩn sống cộng sinh với chúng.
Sự cộng sinh giữa vi khuẩn và ong sói đã được nhóm các nhà khoa học trên phát hiện vài năm trước đây. Nhưng giờ đây, nhờ một phương pháp mới, nhóm các nhà khoa học chứng minh được rằng các vi khuẩn cộng sinh đã sinh ra một hỗn hợp chín kháng sinh trong vỏ ấu trùng, và hỗn hợp kháng sinh này là "tấm lá chắn" bảo vệ rất đáng tin cậy chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh.
Một nhà khoa học trong nhóm cho biết phát hiện này cho thấy hàng triệu năm trước, ong sói và các vi khuẩn cộng sinh đã phát triển được một chiến lược mà y học gần đây mới biết tới - đó là "phòng bệnh tổng hợp."
Việc phân tích các kháng sinh này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu không chỉ hiểu những tiền đề tiến hóa của sự cộng sinh này mà còn có thể chế ra nhiều loại dược phẩm mới cho y học./.