Phân thú vật hóa thạch tiết lộ một hệ sinh thái cổ bí mật

  •  
  • 962

Kết quả nghiên cứu mới về phân thú vật hóa thạch 30 triệu năm tuổi của một loài thú có vú khổng lồ ở Nam Mỹ cổ đại mới được công bố trên tờ Palaeontology, trong đó tiết lộ những bằng chứng cho thấy những tương tác sinh thái phức tạp.

Bọ phân ngày nay đã hết thời. Từng được người Ai Cập cổ đại tôn sùng nhưng giờ đây loài này đã trở thành một vị anh hùng bị quên lãng, thành con vật của những trò đùa tục tĩu. Nhưng trong tự nhiên bọ phân thực sự là một người hùng. Chúng ta đều biết nếu không có loài côn trùng nhỏ bé này, thế giới sẽ ngập tới tận gối trong phân thú vật, đặc biệt là họ động vật ăn cỏ như bò, tê giác và voi - những loài to lớn, ăn nhiều, và thải ra nhiều phân hơn. Với việc phân hủy những thứ đồ thừa này, bọ phân không chỉ dọn sạch bề mặt Trái đất, mà còn cải thiện và làm đất màu mỡ, cũng như làm giảm đáng kể số lượng ruồi bọ mang mầm bệnh.

Nếu như bọ phân ngày nay được khen ngợi vì những nỗ lực vệ sinh Trái đất như trên, thì loài bọ phân đã tuyệt chủng sống ở Nam Mỹ cổ đại cũng xứng đáng được trao tặng huân chương.

Khoảng 30 triệu năm trước, lục địa này là nơi sinh sống của những loài động vật ăn cỏ to lớn đã tuyệt chủng: loài tatu với bộ xương bằng cả một chiếc xe bốn bánh cỡ nhỏ ngày nay, loài lười đất cao tới 6 mét cùng vô số những động vật có vú và móng guốc đã tuyệt chủng với kích thước bằng cả một con voi. Và tất nhiên, chúng phóng uế phân khắp nơi.

Các nhà cổ sinh học ở Achentina đã khám phá ra rằng những viên phân hóa thạch tiết lộ rất nhiều thông tin về một hệ sinh thái cổ trong thế giới động vật có vú khổng lồ sống cách đây 30 triệu năm. (Ảnh: Victoria Sánchez)

Nhưng bọ phân luôn hoàn thành nhiệm vụ của chúng. Mặc dầu bản thân bọ phân không hóa thạch, các nhà khoa học vẫn biết chúng đã tham gia vào công việc dọn dẹp vệ sinh cho Trái đất từ xa xưa, bởi vì, kết quả lao động của loài côn trùng này được bảo quản dưới dạng những viên phân hóa thạch hình cầu, trong đó một số viên đã tồn tại hơn 40 triệu năm, và một số thì to bằng cả trái bóng tennis.

Giờ đây các nhà cổ sinh học Achentina nghiên cứu những hóa thạch này đã khám phá ra rằng họ có nhiều điều để kể cho chúng ta nghe về một hệ sinh thái của thế giới thú có vú khổng lồ khi xưa. Trong kết quả nghiên cứu công bố trên số mới nhất tờ Palaeontology, Victoria Sánchez cùng tiến sĩ Jorge Genise đã báo cáo những dấu vết do sinh vật khác tạo nên bên trong các viên phân hóa thạch.

“Một số vết chỉ là kết quả của những tương tác tự nhiên,” tiến sĩ Sánchez giải thích. “Ví dụ, loài ong vò vẽ đào các ô trống gần nơi chôn những viên phân này, và ở một vài trường hợp chúng vô tình đào sâu cả vào bên trong viên phân. Nhưng những dấu vết khác lại ghi nhận hành động của những con vật chủ động lấy cắp nguồn thức ăn mà bọ phân đang để dành. Hình dạng và kích thước của các vết đào và lỗ khoan hóa thạch trong viên phân cho thấy bọ cánh cứng, ruồi và giun chính là thủ phạm. Mặc dù không có xác con vật nào thuộc những loài trên được bảo quản ở cùng nơi phát hiện hóa thạch phân thú, những viên phân hóa thạch bảo quản tới từng chi tiết một hệ sinh thái trong phân của những loài ăn cỏ khổng lồ sống cách đây 30 triệu năm.”

Journal reference:
1. Sánchez et al. Cleptoparasitism and detritivory in dung beetle fossil brood balls from Patagonia, Argentina. Palaeontology, 2009; 52 (4): 837 DOI: 10.1111/j.1475-4983.2009.00877.x

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 962