Phát hiện ba loài chim quý hiếm ở đầm Trà Ổ

  •  
  • 123

Các cá thể cò mỏ thìa, te mào, choắt mỏ thẳng đuôi đen đang có nguy cơ tuyệt chủng được phát hiện ở khu vực đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ.

Các loài chim quý được phát hiện trong quá trình điều tra thực địa tại khu vực đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, Bình Định từ ngày 6-9/12. Đây là hoạt động trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia "nghiên cứu, đánh giá hiện trạng khu hệ chim và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn các loài chim ở vùng đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam".

5 cá thể cò mỏ thìa.
5 cá thể cò mỏ thìa. (Ảnh: Lê Mạnh Hùng).

Khảo sát đã ghi nhận 5 cá thể cò mỏ thìa (còn gọi là cò thìa mặt đen, cò thìa) tại khu vực đầm Trà Ổ. Cò mỏ thìa là loài chim đặc hữu cho khu vực Đông Á hiện được xếp hạng "nguy cấp" (EN) trong Danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam.

Cò mỏ thìa sinh sản tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và di cư trú đông tại Việt Nam. Tổng quần thể trên toàn thế giới chỉ vào khoảng 4.000-5.000 cá thể. Tại Việt Nam, loài này thường trú đông tại khu vực Đông Bắc (Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình), hàng năm số lượng chỉ dao động từ 50-80 cá thể. 5 cá thể cò mỏ thìa xuất hiện tại đầm Trà Ổ là ghi nhận chính thức đầu tiên về loài chim này khi trú đông tại khu vực miền Trung Việt Nam.

 Đàn choắt mỏ thẳng đuôi đen trên đầm Trà Ổ.
Đàn choắt mỏ thẳng đuôi đen trên đầm Trà Ổ. (Ảnh: Quỳnh Dao).

Hai loài chim quý hiếm khách cũng được phát hiện là te mào và choắt mỏ thẳng đuôi đen. Cả hai được ghi nhận tại cấp độ "sắp bị đe dọa" trong danh lục đỏ của IUCN. Te mào là loại chim có kích thước nhỏ, phân biệt bằng chiếc mào dài mỏng màu đen trên đỉnh đầu. Loài này phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Choăt mỏ thẳng đuôi đen có đặc trưng là chiếc mỏ dài. thẳng. Loài này chủ yếu ưa các vùng ven biển, bãi triều, đầm lầy.

Đầm Trà Ổ (còn được gọi là đầm Châu Trúc, đầm Bàu Bàng) là một đầm nước tự nhiên nằm ở phía Đông Bắc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đầm Trà Ổ có diện tích rất rộng, khoảng 13.000 ha, chu vi chừng 20 km, mặt đầm lúc nào cũng mênh mông nước. Đây là nơi có mức độ đa dạng sinh học thuộc loại cao ở nước ta.

Theo các chuyên gia, việc ghi nhận sự xuất hiện của các loài cò mỏ thìa, te mào và choắt mỏ thẳng đuôi đen cho thấy khu vực đầm Trà Ổ có môi trường sống phù hợp với các loài chim nước và mang ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư, trú đông.

Cập nhật: 12/12/2023 VnExpress
  • 123