Phát hiện bộ xương có thể làm sáng tỏ bí mật Cánh đồng Chum

  •   35
  • 6.903

Các nhà khoa học tiến gần đến mục tiêu lý giải sự tồn tại của Cánh đồng Chum, một trong những địa điểm khảo cổ bí ẩn nhất ở châu Á khi phát hiện nơi mai táng cổ đại trong khu vực.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sử học và khảo cổ cố gắng tìm ra bí mật ẩn sau di chỉ, nơi hàng nghìn chum đá nằm rải rác dọc cao nguyên Xieng Khouang của Lào, theo International Business Times.

Cánh đồng Chum ở Xieng Khouang, Lào.
Cánh đồng Chum ở Xieng Khouang, Lào. (Ảnh: ANU).

Phát hiện mới nhất của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) nằm trong dự án khai quật toàn diện đầu tiên tại khu vực từ thập niên 1930. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Dougald O'Reilley, tìm thấy nhiều bộ xương 2.500 năm tuổi ở một trong 90 vị trí tạo nên Cánh đồng Chum. Nhóm của O'Reilley hy vọng phát hiện sẽ giúp làm sáng tỏ mục đích ra đời của những chiếc chum.

Vào những năm 1930, nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani, người đầu tiên phát hiện Cánh đồng Chum, cho rằng di chỉ thời đồ sắt này gắn liền với tập tục mai táng của người tiền sử. Những chum đá với số lượng từ 1 đến 400 ở mỗi vị trí và chiều cao 1 - 3 mét, nhằm lưu giữ hài cốt hỏa táng. Phát hiện mới củng cố giả thuyết của Colani và các nhà khảo cổ hy vọng nó có thể mở rộng hiểu biết của họ về tập tục chôn cất cổ đại tại khu vực.

Nhóm của O'Reilley nhận thấy ba kiểu mai táng khác nhau trong quá trình khai quật. "Có những hồ chất đầy xương người với một phiến đá vôi lớn đặt bên trên. Ở kiểu khác, bộ xương được đặt trong vại gốm. Công tác khai quật cũng hé lộ lần đầu tiên về kiểu chôn cất cơ bản ở một vị trí, trong đó có một người chết nằm trong ngôi mộ", O'Reilley nói.

Bằng chứng đầu tiên về cách chôn cất cơ bản ở Cánh đồng Chum.
Bằng chứng đầu tiên về cách chôn cất cơ bản ở Cánh đồng Chum. (Ảnh: ANU).

"Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của phát hiện mới. Đây sẽ là khởi đầu cho kỷ nguyên mới, làm sáng tỏ bí mật Cánh đồng Chum", Lia Genovese, nhà nghiên cứu về Cánh đồng Chum, nhận định.

"Những bộ xương tìm thấy trong cuộc khai quật chứng thực chức năng nghĩa địa của cánh đồng, nhưng chức năng của các chum đá vẫn còn là điều bí ẩn. Chum nặng nhất tạc từ đá sa thạch liền khối nặng khoảng 32 tấn theo ước tính của nhà địa chất học người Anh Jeremy Baldock", Genovese, giảng viên di sản văn hóa Đông Nam Á, cho biết.

Một giả thuyết do O'Reilly đưa ra là những chiếc chum đá thực chất dùng cho quá trình phân hủy. Vị giáo sư cho rằng sau khi kết thúc quá trình, bộ xương được chôn cất gần đó.

"Phân tích trong phòng thí nghiệm, bao gồm xác định niên đại bằng đồng vị carbon, sẽ mở rộng đáng kể hiểu biết của chúng ta về khu vực này, về cộng đồng cổ đại và phong tục của họ, trong đó có tập tục chôn cất. Tôi tin chắc kết quả phát hiện sẽ cũng cố vị trí của Cánh đồng Chum trong khảo cổ học Đông Nam Á", Genovese chia sẻ.

Cập nhật: 06/04/2016 Theo VnExpress
  • 35
  • 6.903