Phát hiện mới về loài côn trùng ký sinh "khát máu"

  •  
  • 2.143

Loài côn trùng này sẽ sống ký sinh trên vật chủ, hút cạn chất dinh dưỡng và rồi bay đi...

Trong một lần đi công tác thực địa rừng mây ở Ecuador, giáo sư Scott Shaw thuộc ĐH Wyoming (Mỹ), Laramie và các đồng nghiệp đã phát hiện ra 24 loài ong bắp cày mới.

Trong tổng số 24 loài côn trùng mới được mô tả này, một số loài đã được đặt tên theo những người nổi tiếng như nghệ sĩ Ecuador - Eduardo Kingman, nhà thơ người Mỹ - Robert Frost, ca sĩ, nhạc sĩ người Colombia - Shakira...

Qua nghiên cứu, giáo sư Scott Shaw cho biết: "Loài ong bắp cày mới được phát hiện này khá nhỏ, chỉ dài 4 - 9mm nhưng lại có một tác động rất lớn đến hệ sinh thái rừng".

Phát hiện mới về loài côn trùng ký sinh "khát máu"

Loài ong bắp cày Shakira lựa chọn những con sâu bướm làm vật chủ để nuôi lớn bào thai mới nở. Những ấu trùng ký sinh này không ngay lập tức giết chết sâu bướm mà biến chúng thành những lá chắn, bảo vệ cho mình trong suốt một thời gian dài. Trong lúc này, ấu trùng ký sinh sẽ hút cạn các chất dinh dưỡng từ vật chủ để nuôi lớn bản thân.

Cuối cùng, ấu trùng của ong bắp cày sẽ tạo kén bên trong xác của vật chủ. Khi đã hoàn toàn trưởng thành, cá thể sẽ tạo ra một lỗ thoát từ xác sâu bướm và bay đi để giao phối, tiếp tục chu kỳ về hành vi ký sinh của mình.

Phát hiện mới về loài côn trùng ký sinh "khát máu"
Hình ảnh một sâu bướm đang bị ấu trùng ký sinh của ong bắp cày tấn công

Giáo sư Shaw nói rằng: "Mặc dù hành vi giết hại vật chủ - sâu bướm là xấu nhưng thực tế, đây là loài côn trùng rất có lợi. Nhưng một cách tự nhiên, những cá thể ong bắp cày này đã kiểm soát dân số của sâu bướm ăn cây, vì vậy đã duy trì sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới".

Các nghiên cứu thực địa trước đây được thực hiện bởi giáo sư Shaw tại trạm nghiên cứu lâm nghiệp Yanayacu của tỉnh Napo, trong dãy Andes phía Đông Ecuador cũng đã phát hiện ra 9 loài ong bắp cày biết ký sinh và sát hại vật chủ.

Phát hiện mới về loài côn trùng ký sinh "khát máu"

Phát hiện của các nhà khoa học đã mở rộng phạm vi phân bố của loài ong bắp cày ký sinh cũng như hiểu hơn về tập tính sinh hoạt của chúng và sự tác động đến môi trường sinh thái.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Ecuador.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.143