Các nhà khảo cổ học Israel đã khai quật được một con dấu bằng đất sét 2.700 năm tuổi có tên Bethlehem, thành phố nơi Chúa Jesus ra đời.
Theo trang Discovery, con dấu này đã được phát hiện trong quá trình chọn lọc các mảnh vỡ tại cuộc khai quật diễn ra ở thành phố cũ của Jerusalem. Con dấu bằng đất sét có kích thước bằng một đồng xu, được khắc các từ Do Thái cổ: “thứ bảy”, “Bethlehem”, và “dâng tặng nhà vua”.
Nhà khảo cổ học Eli Shukron, công tác tại Cơ quan quản lý cổ vật Israel cho biết: “Có vẻ như trong năm thứ bảy của triều đại (hiện chưa rõ là triều đại của vua Hezekiah, Manasseh hay Josiah), có một lô hàng cống nạp đi từ Bethlehem tới Jerusalem”. Con dấu bằng đất rất có thể đã được đặt trong một lô hàng chứa bạc hoặc các sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như rượu vang hoặc lúa mì vào thế kỉ thứ VIII hoặc thứ VII trước Công nguyên.
Cận cảnh con dấu. (Ảnh: Discovery)
Shukron cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên cái tên Bethlehem xuất hiện bên ngoài Kinh thánh, trên một con dấu có từ thời kì Đền thờ thứ Nhất (First Temple) tại Jerusalem (1006 - 586 trước Công nguyên). Điều này chứng minh rằng Bethlehem thực sự là một thành phố nằm trong Vương quốc Judah, và thậm chí còn tồn tại trước khi được vinh danh là thành phố nơi Chúa Jesus ra đời chứ không phải là một địa danh trong tưởng tượng".
Nằm ở phía Nam của Jerusalem, Bethlehem lần đầu tiên được đề cập đến trong Kinh thánh với tên gọi Ephrath, tức là Bathlehem Judah để phân biệt với Bethlehem Zebulun. Thành phố này nổi danh vì những mối liên hệ với Chúa Jesus: mảnh đất gắn liền với câu chuyện về Ruth trong kinh Cựu ước, mảnh đất quê hương của vua David - vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Do Thái và là nơi Chúa chào đời.