Phát hiện tổ tiên của động vật có vú đào hang ở Trung Quốc

  •  
  • 385

Hóa thạch kỷ Phấn Trắng được tìm thấy ở Trung Quốc tiết lộ hai loài động vật đào hang tiền sử có liên quan đến động vật có vú.

Nhóm nghiên cứu quốc tế do Tiến sĩ Fangyuan Mao và Tiến sĩ Chi Zhang từ Viện Khoa học Trung Quốc và Giáo sư Jin Meng từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ đã phát hiện ra hai loài Mammaliamorphs mới - một nhánh tổ tiên của động vật có vú - sống trong hang cách đây khoảng 120 triệu năm.


Mô phỏng Hệ sinh vật Jehol cổ đại ở đông bắc Trung Quốc. (Ảnh: Chuang Zhao).

Theo mô tả trên tạp chí Nature, hai loài mới có quan hệ họ hàng xa xôi, nhưng đã phát triển các đặc điểm một cách độc lập để hỗ trợ lối sống giống nhau. Chúng đại diện cho những động vật đào hang bằng móng vuốt đầu tiên được biết đến trong Hệ sinh vật Jehol, bao gồm tất cả các loài sống cách đây 120 - 133 triệu năm ở vùng ngày nay là đông bắc Trung Quốc.

"Có rất nhiều giả thuyết về lý do tại sao động vật đào hang sâu và sống dưới lòng đất, chẳng hạn như để bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi, để duy trì nhiệt độ ổn định, hoặc để tìm nguồn thức ăn như côn trùng và rễ cây. Hai hóa thạch này là ví dụ rất rõ ràng về các loài không có quan hệ họ hàng gần gũi nhưng đều phát triển các đặc điểm chuyên biệt cao của động vật đào đất", Meng chia sẻ.


Hình ảnh phục dựng loài Fossiomanus sinensis (trên) và Jueconodon cheni. (Ảnh: Chuang Zhao).

Nhóm nghiên cứu đặt tên cho hai loài mới là Fossiomanus sinensis Jueconodon cheni. Sinh vật đầu tiên dài 31,6 cm là động vật ăn cỏ trông giống động vật có vú thuộc họ Tritylodontid, trong khi loài còn lại dài 17,8cm thuộc nhóm Eutriconodontan - họ hàng xa của thú có túi và thú có nhau thai hiện đại.

Động vật có vú thích nghi với cuộc sống trong hang có những đặc điểm chuyên biệt để đào bới. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số đặc điểm như vậy, bao gồm các chi ngắn, chi trước mạnh mẽ với bàn tay rắn chắc và đuôi ngắn, ở cả Fossiomanus và Jueconodon. Chúng chủ yếu sử dụng móng vuốt ở chi trước để đào hang.


Hóa thạch Fossiomanus sinensis (trái) và Jueconodon cheni. (Ảnh: Fangyuan Mao).

Hai loài cũng có chung một đặc điểm bất thường khác, đó là cột sống kéo dài. Thông thường, động vật có vú có 26 đốt sống từ cổ đến hông, nhưng Fossiomanus và Jueconodon lần lượt có 38 và 28 đốt sống.

"Những mẫu vật này sẽ giúp làm sáng tỏ sự tiến hóa của bộ xương trục ở động vật có vú, vốn là trọng tâm của nhiều nghiên cứu về động vật có xương sống", các tác giả nhấn mạnh trong báo cáo.

Cập nhật: 17/06/2021 Theo VnExpress
  • 385