Số bệnh nhân AIDS ở nước nghèo được điều trị chưa đạt mục tiêu

  •  
  • 308

Số bệnh nhân AIDS được chữa trị tại các nước nghèo và đang phát triển đã tăng gấp ba lần trong hai năm và đến cuối năm 2005 đạt hơn 1,3 triệu người.

Một bé trai săn sóc người mẹ bị AIDS ở Kenya
Một bé trai săn sóc người mẹ bị AIDS ở Kenya (Ảnh: TTO)
Đó là báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS). Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

Theo báo cáo, khu vực Hạ Sahara của châu Phi là nơi dịch bệnh AIDS hoành hành mạnh nhất, trong đó, 9/10 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS đang chờ được điều trị sống tại châu Phi. Và dù số bệnh nhân HIV/AIDS nhận được sự điều trị có tăng nhưng con số từ 3 - 6,5 triệu bệnh nhân tại các nước có thu nhập thấp hay trung bình cần được chữa trị nhanh chóng vẫn không thể đạt tới.

Cuộc chiến chống dịch AIDS tại các nước nghèo chỉ gói gọn trong việc phòng ngừa, chữa trị với chi phí hàng ngàn USD/bệnh nhân/năm vẫn còn nằm ngoài tầm tay nhiều nước. Và từ năm 2003 - 2005, khoản chi phí mà thế giới dành cho việc chống dịch bệnh này tăng từ 4,7 tỉ USD lên 8,3 tỉ USD.

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời  gian này, có chưa tới 10% thai phụ nhiễm HIV nhận được thuốc điều trị trước và trong thời kỳ mang thai. Hậu quả pà 1.800 trẻ chào đời nhiễm HIV/ngày và mỗi năm vẫn còn hơn 570.000 trẻ từ 15 tuổi trở xuống tử vong vì AIDS, đa số tử vong vì nhiễm bệnh từ người mẹ.

Theo UNAIDS, thế giới cần có ít nhất 22 tỉ USD/năm từ nay đến năm 2008 để tài trợ cho các chương trình dự phòng, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các nước.

Trong một diễn biến khác, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh (CDC) của Mỹ thông báo hai loại thuốc điều trị AIDS sắp được thử nghiệm trên người. Nếu hai loại này thuốc phòng ngừa này, tenofovir và emtricitabine, chứng tỏ tính hiệu quả trên người tương tự như thí nghiệm trên loài linh trưởng, chúng sẽ được chỉ định cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao (nhân viên y tế và trẻ em có mẹ bị nhiễm HIV).

Theo đó, việc dùng tthuốc mỗi ngày hay một lần/tuần trước khi virus xâm nhập có thể ngăn được sự lây nhiễm.

ĐỨC TRƯỜNG

Theo AFP, AP, Tuổi trẻ
  • 308