Sốt xuất huyết Dengue

  •  
  • 2.410

Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng tình hình phát triển của bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue có chu kỳ. Ở Việt Nam cứ 3-5 năm, SXH lại phát thành dịch lớn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung từ tháng 6 đến tháng 10.

Vectơ truyền bệnh SXH Dengue ở Việt Nam chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti. (Ảnh: cober)
Vectơ truyền bệnh SXH Dengue ở Việt Nam chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti. Muỗi này sau khi hút máu ở người bị bệnh sẽ truyền bệnh cho người lành. Nó sẽ là tác nhân truyền bệnh trong cả chu kỳ sống của nó (khoảng một tháng). Muỗi sẽ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và nhiệt độ cao.

Cơ chế sinh bệnh

Trên thế giới, người ta đưa ra rất nhiều giả thiết giải thích cơ chế sinh bệnh SXH. Trong phạm vi bài báo này chúng tôi chỉ xin giới thiệu giả thiết của Halstead, là giả thiết được nhiều người công nhận. SXH Dengue thường xảy ra ở những người đã có kháng thể Dengue từ trước.

Khi virus Dengue xâm nhập lần sau sẽ kết hợp với kháng thể trước đó tạo thành phức hợp kháng nguyên kháng thể, được gọi là phức hợp miễn dịch. Phức hợp này sẽ hoạt hóa bổ thể (một trong những hệ thống bảo vệ của cơ thể) dẫn đến hậu quả là làm tăng tính thấm thành mạch, phá hủy hệ thống cầm máu (do giải phóng các yếu tố đông máu) và giảm tiểu cầu gây ra xuất huyết (XH), chảy máu và sốc.

Phân độ XH và triệu chứng

SXH thường được phân làm 4 độ theo mức độ của bệnh nặng hay nhẹ.

Độ I: Sốt, nổi hạch, đau nhức, mạch, huyết áp (HA) bình thường; có dấu hiệu dây thắt dương tính. Ở mức độ này rất khó phân biệt với sốt thông thường.

Độ II: Biểu hiện như độ I kèm theo XH nhẹ.

Độ III: Trụy mạch (suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ), HA tụt, xuất huyết vừa và tiền sốc.

Độ IV: Sốc thật sự, mạch nhỏ khó bắt, thậm chí là huyết áp không đo được. Thời gian ủ bệnh thường từ 5-7 ngày sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

Hội chứng nhiễm virus: Sốt cao đột ngột liên tục từ 39-40oC hoặc sốt thành 2 pha, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, đau đầu, đau cơ, sưng hạch ngoại vi đặc biệt là hạch cổ, hạch khuỷu tay, thậm chí là gan to gây đau tức vùng gan...

Hội chứng XH: Bao gồm cả 3 vùng XH sau. Xuất huyết dưới da. XH những chấm, những đám XH thậm chí có thể có cả vết bầm tím. XH niêm mạc: thường gặp triệu chứng chảy máu cam, chảy máu chân răng. XH nội tạng: thường gặp các biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen...

Hội chứng tiền sốc: Với các biểu hiện như lơ mơ, vật vã, chân tay lạnh (nhất là hạ sườn phải), nôn nhiều, tiểu tiện ít, HA giảm. Đây là một giai đoạn nguy hiểm cần phải chú ý theo dõi.

Hội chứng sốc: Mạch nhanh nhỏ, yếu, thậm chí không bắt được. HA tụt mạnh; người mệt lả, da lạnh, tím tái...

Dấu hiệu cận lâm sàng (các xét nghiệm): Hematocrit tăng, tiểu cầu giảm.

Điều trị

Dựa trên sự phân loại độ XH mà chúng ta có biện pháp điều trị phù hợp.

Với độ I và độ II: Nên điều trị ngoại trú, tránh để lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó phải theo dõi chặt chẽ, kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu tiền sốc. Cần phải sử dụng các nhóm thuốc sau:

- Vitamin C làm bền thành mạch.

- Dùng thuốc hạ sốt: Thường dùng paracetamol (không dùng aspirin vì aspirin làm nặng thêm triệu chứng XH).

- Bù dịch: Uống dung dịch oresol hoặc nước ép chanh, cam...

Với độ III, IV:

Cần truyền ngay các dung dịch điện giải và dung dịch keo máu. Người ta thường hay sử dụng các dung dịch truyền sau: NaCl 0,9%; Glucose 5%, dung dịch Ringer lactat, plasma hoặc chất thay thế plasma (gelatin dextran...) trong quá trình truyền cần chú ý tốc độ truyền phù hợp và phải có sự giám sát của nhân viên kỹ thuật.

Dùng thêm các thuốc trợ tim mạch; thở ôxy, thuốc chống XH. Nếu bệnh nhân XH nhiều phải truyền máu tươi, khối tiểu cầu, huyết tương.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh hiệu quả, trước hết chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều; cộng đồng đông dân cư, sự giao lưu kinh tế, văn hóa... sâu rộng giữa các vùng tốc độ phát triển của muỗi Aedes Aegypti ngày càng tăng, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao.

Biện pháp phòng bệnh có hiệu quả là hạn chế sự phát triển của muỗi bằng các biện pháp như:

Biện pháp cơ học: Dùng vỉ đập muỗi, thau rửa sạch sẽ dụng cụ chứa nước, vệ sinh môi trường, nguồn nước quanh nhà, nằm màn.

Biện pháp sinh học: Thả cá để tiêu diệt ấu trùng muỗi.

Biện pháp hóa học: Phun thuốc trừ muỗi...

Bên cạnh đó phải theo dõi chặt chẽ các trường hợp có sốt, cách ly các bệnh nhân SXH.

Hiện nay nhà nước đã có chính sách hỗ trợ trong phòng và điều trị SXH. Vì vậy các cá nhân và địa phương có trách nhiệm báo cáo kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh cho các tổ chức liên quan để có thể hạn chế không cho dịch bùng phát trên diện rộng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, TTO
  • 2.410