Tái tạo vòng cổ tinh xảo chôn dưới mộ trẻ em 9.000 năm

  •  
  • 84

Chiếc vòng cổ gồm nhiều dây và được làm từ hơn 2.500 viên đá và mảnh vỏ sò, cho thấy đứa trẻ trong mộ có địa vị xã hội cao.

Các nhà nghiên cứu châu Âu tái tạo chiếc vòng cổ tinh xảo chôn cùng một đứa trẻ 8 tuổi trong ngôi mộ ở làng Ba'ja, Jordan, tồn tại khoảng năm 7400 - 6800 trước Công nguyên, thuộc thời Đồ Đá Mới. Đồ Đá Mới là thời kỳ khảo cổ bắt đầu ở Trung Đông ít nhất từ khoảng thiên niên kỷ 10 trước Công nguyên. Quá trình tái tạo được mô tả trong nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLOS One hôm 2/8.

Bản tái tạo vật lý của chiếc vòng cổ 9.000 năm tuổi được trưng bày tại Bảo tàng Petra, Jordan.
Bản tái tạo vật lý của chiếc vòng cổ 9.000 năm tuổi được trưng bày tại Bảo tàng Petra, Jordan. (Ảnh: Alarashi/PLOS One).

Ba'ja là một trong những ngôi làng quan trọng và được nghiên cứu kỹ nhất ở khu vực Nam Levant thời Đồ Đá Mới. Từ năm 1997, nghiên cứu khảo cổ tại Ba'ja đã hé lộ những công trình lớn, sâu và phức tạp.

Ngôi mộ được phát hiện vào năm 2018, bên trong là hài cốt trẻ em trong tư thế bào thai cùng hơn 2.500 viên đá và mảnh vỏ sò nhiều màu sắc trên ngực và cổ, một mặt dây chuyền bằng đá đục lỗ và một chiếc nhẫn xà cừ chạm khắc tinh xảo.

Thông qua phân tích thành phần, cách chế tạo và cách phân bố của các hiện vật, nhóm nghiên cứu kết luận, chúng thuộc một chiếc vòng cổ gồm nhiều chuỗi hạt. "Thông qua nhiều bằng chứng, chúng tôi cho rằng chiếc vòng cổ được chế tạo ở Ba'ja, dù các phần quan trọng làm từ vỏ sò và đá đến từ nơi khác, kể cả hổ phách hóa thạch", nhóm nghiên cứu viết.

Theo nhóm nghiên cứu, chiếc vòng cổ cho thấy chủ nhân ngôi mộ có địa vị xã hội quan trọng. "Đồ trang trí với một số lượng lớn hạt - hơn 2.500 - là thứ chưa từng thấy trong những ngôi làng thời Đồ Đá Mới ở Levant", nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhóm nghiên cứu tái tạo một phiên bản vật lý của chiếc vòng cổ ban đầu, hiện trưng bày tại Bảo tàng Petra, Jordan. Do khi phát hiện, các bộ phận của chiếc vòng cổ không còn ở vị trí ban đầu nên việc tái tạo phải dựa vào phân tích chuyên sâu và hàng loạt ước tính dựa trên những dự đoán logic.

"Kết quả tái tạo đã vượt kỳ vọng của chúng tôi khi hé lộ một chiếc vòng cổ nhiều chuỗi ấn tượng với cấu trúc phức tạp và thiết kế bắt mắt", nhóm nghiên cứu chia sẻ. Đây là một trong những ví dụ cổ xưa và ấn tượng nhất về đồ trang trí thời Đồ Đá Mới, đồng thời làm sáng tỏ tập tục mai táng cho những người có địa vị xã hội cao.

Theo các chuyên gia, chiếc vòng cổ mới phát hiện không giống với bất cứ truyền thống trang trí thời Đồ Đá Mới nào của Levant được biết tới cho đến nay. Kích thước lớn, kết cấu phức tạp, tính đối xứng, hài hòa, vẻ đẹp của các đồ vật và màu sắc gợi nhớ đến những đồ trang trí tinh xảo của các xã hội Ai Cập và Lưỡng Hà sau này.

Việc chế tạo chiếc vòng cổ đòi hỏi tay nghề khéo léo và nhập khẩu một số vật liệu kỳ lạ từ khu vực khác. Điều này làm nổi bật mức độ kết nối cao giữa người Ba'ja cổ đại với thế giới rộng lớn hơn.

Cập nhật: 04/08/2023 VnExpress
  • 84