Phát hiện nhà cổ nhất Scotland có niên đại 10.000 năm

  •  
  • 1.684

Những dấu vết của một ngôi nhà được cho rằng xuất hiện vào sớm nhất tại Scotland vừa được các nhà khoa học phát hiện. Theo các nhà khảo cổ ngôi nhà này thuộc thời kỳ đồ đá cách đây khoảng 10.000 năm.

Di chỉ khảo cổ nêu trên được phát hiện tại công trường xây dựng cầu Forth Replacement Crossing, thuộc khu vực Nam Queensferry. Những dấu tích chính được phát hiện gồm một đường hầm dài 7m cùng những nền lò sưởi, đá lửa và các đầu mũi tên.

Hình ảnh mô phỏng nhà của người cổ tại Scotland
Hình ảnh mô phỏng nhà của người cổ tại Scotland

Rod McCullagh, một nhà khảo cổ cao cấp tại Cơ quan sử học Scotland cho biết: “Phát hiện này và đặc biệt là thông tin từ các phân tích trong phòng thí nghiệm đã cung cấp thêm những tư liệu quý giá cho hiểu biết của chúng ta về một danh sách ngày càng tăng những ngôi nhà được xây dựng bởi các cư dân đầu tiên tại Scotland sau kỷ băng hà, cách đây khoảng 10.000 năm.

Phân tích carbon phóng xạ đã được thực hiện đối với các mẫu vật từ hiện trường cho thấy đây có thể là ngôi nhà cổ nhất từng được tìm thấy tại Scotland, khiến phát hiện càng thêm ý nghĩa”, ông McCullagh nói.

Trên nền của khu di chỉ, nhiều lỗ sâu đã được tìm thấy được cho là từng được dùng để chôn các cột bằng gỗ có tác dụng chịu lực cho tường, còn mái nhà rất có thể được phủ bằng cỏ. Dấu tích của nhiều lò sưởi trong nhà cũng được tìm thấy cùng với nhiều viên đá lửa có niên đại hơn 10.000 năm tuổi. Ngoài ra ở đây còn có những vật dụng từng được người xưa dùng làm công cụ và cả đầu mũi tên.

Các phát hiện khác trong đó có lượng lớn vỏ hạt dẻ đã cháy thành than hé lộ khả năng đây từng là nguồn thực phẩm quan trọng của những người chủ ngôi nhà. Các nhà khảo cổ cũng tin rằng nơi đây từng là nơi trú ngụ theo mùa của người xưa, có thể là vào các tháng mùa Đông chứ không phải quanh năm.

Tham khảo: BBC

Theo Dân Trí, BBC
  • 1.684