Tên lửa SpaceX sẽ đưa trạm vũ trụ tư nhân lên quỹ đạo

  •  
  • 138

Trạm vũ trụ tư nhân dài khoảng 100m bao gồm nhiều module và trọng lực nhân tạo sẽ hoạt động ở quỹ đạo Trái đất trong hai năm nữa.

Mô phỏng tàu Dragon của SpaceX bay tới trạm Haven-1.
Mô phỏng tàu Dragon của SpaceX bay tới trạm Haven-1. (Ảnh: Vast Space LLC)

Công ty khởi nghiệp Vast Space ở California hôm 10/5 thông báo kế hoạch phóng trạm Haven-1 trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX muộn nhất vào tháng 8/2025. Tiếp theo đó là nhiệm vụ Vast-1 chở phi hành đoàn lên trạm mới và ở lại 30 ngày. Vast-1 cũng phóng trên tên lửa Falcon 9 và các phi hành gia sẽ ở trong khoang tàu Dragon của SpaceX.

"Vast sẽ phóng trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới Haven-1 và phi hành đoàn đầu tiên là Vast-1", Jed McCaleb, giám đốc điều hành của công ty chia sẻ. "Hợp tác với SpaceX là bước đầu tiên trong mục tiêu dài hạn nhằm phóng nhiều trạm vũ trụ trọng lực nhân tạo lớn hơn trên quỹ đạo Trái đất và xa hơn".

Vast là công ty non trẻ thành lập cách đây hai năm. Công ty hướng tới vận hành trạm vũ trụ trọng lực nhân tạo nhiều module dài 100m phóng bằng hệ thống giao thông của SpaceX. Vast sẽ khám phá cách tiến hành thí nghiệm trọng lực nhân tạo đầu tiên trên thế giới với Haven-1. Công ty đang rao bán 4 chỗ trong nhiệm vụ Vast-1. SpaceX sẽ phụ trách huấn luyện phi hành gia, cung cấp bộ đồ vũ trụ và nhiều dịch vụ khác, tương tự như với Ax-1, chuyến bay tư nhân lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do công ty Axiom Space ở Houston thực hiện vào tháng 4/2022.

Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Haven-1 sẽ là một trong vài trạm tư nhân đang trong quá trình phát triển. Ví dụ, Axiom Space kế hoạch phóng vài module lên ISS trong những năm tới. Tổ hợp này sau đó sẽ tách ra và trở thành trạm bay tự do. Cuối năm 2021, NASA cũng cấp kinh phí tổng cộng 415 triệu USD cho đội ngũ ở các công ty Blue Origin, Nanoracks và Northrop Grumman với hy vọng ít nhất một trạm tư nhân sẽ hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái đất trước khi trạm ISS ngừng hoạt động cuối năm 2030.

Cập nhật: 12/05/2023 VnExpress
  • 138