Thay đổi khí hậu đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng ở Madagascar

  •  
  • 651

Nghiên cứu mới do Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kì thực hiện đã cung cấp những thông tin chi tiết đầu tiên cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu buộc các loài phải di cư lên những ngọn núi vùng nhiệt đới khi môi trường sống của chúng chuyển lên cao.

Chistopher Raxworthy – phó phụ trách khoa Bò sát học – dự đoán rằng ít nhất ba loài lưỡng cư và bò sát tại vùng núi phía bắc Madagascar sẽ tuyệt chủng vào năm 2050 đến 2100 do mất môi trường sống có liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hiện chúng phải chuyển lên sườn núi phía trên do bị mất môi trường sống ở vùng cao so với mực nước biển ấm áp hơn, nhưng rồi chúng cũng sẽ không còn nơi nào để mà di cư nữa.

Raxworthy cho biết: “Phân bố cục bộ hóa cao gần các đỉnh cao nhất cùng với sự chuyển hướng lên trên theo diện rộng do ảnh hưởng của nhiệt độ tăng dần là sự kết hợp có hại dẫn tới quá trình tuyệt chủng”. Trong một bài viết mới đăng tải trên tờ Global Change Biology, Raxworthy cùng cộng sự đã tìm ra xu hướng chung của quá trình thay đổi độ cao môi trường sống ở 30 loài lưỡng cư và bò sát.

Hiện tượng di cư lên phía trên là phản ứng có thể dự đoán được đối với nhiệt độ tăng dần. Các nghiên cứu khác, bao gồm cả nghiên cứu của J. Alan Pounds tại Costa Rica đã cung cấp một số bằng chứng kinh nghiệm về cách thức các loài nhiệt đới phản ứng với thay đổi khí hậu. Tuy nhiên nghiên cứu của Raxworth lại nổi trội bởi số lượng và tính đa dạng của các loài, biến đổi khí tượng trong cùng một khoảng thời gian, chuyển đổi độ cao trên quy mô tương đối lớn cũng như đánh giá khái quát về khả năng tuyệt chủng của các quần thể trên núi vùng nhiệt đới. Hiện nay vẫn còn khan hiếm thông tin về tác động của khí hậu đối với đa dạng sinh học ở các vùng nhiệt đới.

Con Calumma tsaratananensis – loài đặc hữu đại diện cho môi trường sống trên đỉnh ngọn Tsaratanana. (Ảnh: AMNH)

Raxworthy đã tiến hành tìm hiểu tính đa dạng của nhóm bò sát tại Madagascar từ năm 1985. Ông khám phá ra rằng đa phần quá trình di cư lên phía trên diễn ra tình cờ. Trong một cuộc khảo sát lặp lại diễn ra trên các ngọn núi phía bắc Madagascar – núi Tsaratanana, ông nhận thấy một số loài đã biến mất khỏi những nơi chúng thường xuất hiện trước đó. Hơn nữa, một vài loài trong số đó lại xuất hiện ở vùng cao hơn kế tiếp. Raxworthy giải thích: “Tôi nhận thấy điều này rất lạ, nhưng sau đó tôi ngồi xuống, xem lại dữ liệu thì thấy xu hướng đó khá phổ biến”. Ông chọn lọc các ghi chép về độ cao rồi so sánh các khảo sát trong khoảng thời gian trên mười năm.

Kết quả thật bất ngờ. Trong số 30 loài tắc kè, thằn lằn bóng chân ngắn, tắc kè hoa, ếch lấy làm mẫu tồn tại xu hướng di cư lên phía trên với độ cao trung bình khoảng 19 đến 51 met (62 đến 167 fit) trong một thập kỉ qua. Khi so sánh kết quả với ghi chép khí tượng cũng như mô phỏng thay đổi khí hậu, quá trình vận động của loài vật có thể có liên quan đến sự tăng nhiệt độ từ 0,1°C đến 0,37°C (từ 0,18°F đến 0,67°F) cũng trong thập kỉ đó, tương đương với vận động đi lên theo dự tính vào khoảng 17 đến 74 met (59 đến 243 fit).

Kết quả nghiên cứu của Raxworthy là chính xác bởi có bao gồm tính đa dạng các loài trong quá trình phân tích. Tập hợp các loài vật thuộc 5 họ lưỡng cư và bò sát khác nhau, như cóc miệng nhỏ, ếch Mantella, tắc kè hoa, tắc kè và thằn lằn bóng chân ngắn, khiến giả thuyết về biến đổi vật hậu học không thể giải thích được xu hướng vận động đi lên này. Raxworthy cho biết: “Khi bạn nhận thấy có xu hướng chung ở tất cả các nhóm sinh vật này, nó phải có liên quan với một lời giải thích khái quát như nền nhiệt tăng lên chứ không phải những thứ khó nhận thấy như biến đổi theo mùa”.

Mối liên hệ trực tiếp giữa quá trình vận động lên núi quan sát được , quá trình tuyệt chủng cũng như thay đổi khí hậu gây ra hậu quả nhất định đối với mạng lưới công viên quốc gia tại Madagascar. Chính phủ Madagascar hiện dự tính dành riêng 10% diện tích đất cho mục đích bảo tồn. Nghiên cứu trước đó do Raxworthy cùng đồng nghiệp thực hiện từng được xuất bản trên số ra tháng 4 tờ Science đã dựa vào sự phân bố của 2.300 loài động vật để sơ đồ hóa quốc đảo cung cấp đủ môi trường sống cho tất cả các loài.

“Chính phủ Malagasy đang xây dựng thêm nhiều khu bảo tồn mới cũng như tiến hành bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thật đáng buồn là với một hiện tượng như nóng lên toàn câu, các loài sẽ chuyển sang môi trường sống cao hơn. Do đó chúng vẫn có thể bị mất môi trường sống dẫn đến tuyệt chủng. Vấn đề bảo tồn này do đó đòi hỏi phải có giải pháp toàn cầu”.

Nghiên cứu được Quỹ khoa học quốc gia tài trợ. Raxworthy đã cộng tác với các nhà khoa học thuộc đại học Antananarivo tại Madagascar, đại học quốc gia Chung-Hsing tại Đài Loan, đại học Michigan Hoa Kì, và đại học Oxford nước Anh.

Bài viết tham khảo:

Raxworthy et al. Extinction vulnerability of tropical montane endemism from warming and upslope displacement: a preliminary appraisal for the highest massif in Madagascar. Global Change Biology, 2008; 0 (0): 080506181133486 DOI: 10.1111/j.1365-2486.2008.01596.x

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 651