Theo một nghiên cứu quốc tế được đăng trên tạp chí Nature, sự suy tàn của nhà Đường, một trong các triều đại quan trọng nhất trong lịch sử Trung Hoa, cũng như sự sụp đổ của nền văn minh cổ Maya ở Trung Mỹ có thể là hậu quả của những thay đổi gió mùa gây hạn hán ở châu Á.
Tượng Phật Thích Ca được tạc từ triều đại nhà Đường ở miền Tây Nam Trung Quốc (Ảnh: HTV) |
Các nhà khoa học khẳng định rằng lượng mưa quá thấp tại châu Á vào thời ấy đã khiến mùa màng bị thiệt hại, gây nạn đói kém, xã hội rối loạn, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại. Họ cũng tin rằng những thay đổi trong vành đai mưa nhiệt đới đã ảnh hưởng đến toàn cầu, giải thích sự biến mất đột ngột của nền văn minh Maya (250-00) tại miền Đông Nam Mexico và Guatemala hiện nay.
Nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận này từ việc phân tích các trầm tích trong hồ Huguang Maar ở miền Đông Nam Trung Quốc. Các đặc điểm từ tính và hàm lượng titan cao trong các thành phần này cho phép suy đoán một giai đoạn hạn hán đặc biệt đã hoành hành nước Trung Hoa vào thời ấy.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng trong 16.000 năm qua, nước này đã trải quả ba giai đoạn khí hậu tương tự nhau.