Những con thú biết lượn giống như sóc sống cùng thời với khủng long ít nhất 130 năm trước có thể đã thống trị bầu trời như các con chim. Đó là loài Volaticotherium antiquus mới được phát hiện.
Loài biết bay mới này đã đẩy kỷ lục của chuyến bay lượn đầu tiên trên bầu trời của động vật có vú lùi ít nhất 70 triệu năm so với suy nghĩ trước đây.
Hoá thạch của Volaticotherium antiquus, đại diện cho một nhóm động vật có vú chưa từng được biết tới, đã được tìm thấy tại các thềm đá ở đông bắc Trung Quốc. Hoá thạch cho thấy, những loài thú khác từ kỷ Đại trung sinh, khoảng 248-65 triệu năm trước, có thể đã phong phú hơn những gì các nhà khoa học biết.
"Loài thú này khác rất nhiều so với những gì chúng ta biết về động vật có vú kỷ Đại trung sinh. Vì vậy chúng tôi cho rằng chúng đại diện cho một nhánh động vật có vú mới thời cổ đại", Jin Meng, nhà cổ vật học tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ ở New York nhận định.
Động vật có vú biết bay cổ nhất được biết đến trước đó là một loài gặm nhấm. Nhưng loài có vú biết bay mới này không phải là tổ tiên trực tiếp của bất cứ loài thú nào còn sống ngày nay.
Hoá thạch cho thấy con vật nặng 450 gram, nhanh nhẹn, có hàm răng sắc nhọn dùng để ăn côn trùng. Xương ngón chân cho thấy chúng cũng trèo được cây, giúp chúng cất cánh từ trên cao. Nó có màng da rộng kéo dài từ chân trước ra chân sau giống như cánh máy bay. Chúng cũng có lông trên tấm màng và toàn bộ cơ thể. Cái đuôi dài có thể hoạt động như một bánh lái trong khi bay.
Loài Volaticotherium antiquus (Ảnh: nationalgeographic)
M.T.