Tìm hiểu nhanh những loại hormone có thể là nguyên nhân khiến bạn bị béo phì!

  •  
  • 348

Không chỉ có chế độ vận động, khẩu phần ăn mà ngay cả các loại hormone trong cơ thể cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong việc quyết định đến cân nặng cũng như vóc dáng của chúng ta!

Hormone Tuyến giáp

Tuyến giáp là nơi sản sinh ra hormone T3, T4 và calcitonin, vốn được biết đến với vai trò kiểm soát hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Việc giảm tiết các loại hormone này sẽ gây ra triệu chứng có tên là Hypothyroidism (hay còn gọi là “sự giảm hoạt động tuyến giáp”). Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của Hypothyroidism chính là tăng cân bất thường, mà nguyên nhân chính đến từ hiện tượng tích nước.

Cách phòng tránh:

  • Bổ sung đủ lượng muối Iodine trong khẩu phần hàng ngày.
  • Ăn các loại thực phẩm đã được nấu chín kỹ và hạn chế ăn đồ sống.
  • Bổ sung vitamim D.
  • Tăng cường hấp thụ thức ăn nhiều Kẽm.

Insulin

Insulin là một loại hormone được tiết ra bởi tuyến tụy, có chức năng điều hòa hàm lượng đường glucose trong máu. Tuy nhiên, việc nạp quá mức các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, đồ uống có cồn hay các món ăn có hàm lượng đường cao có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể tự kháng lại insulin.

Cụ thể, vào lúc này các tế bào cơ bắp sẽ không cho phép phức hợp insulin-glucose xâm nhập vào để chuyển hóa thành năng lượng. Do đó, glucose từ thức ăn bị ứ đọng lại trong hệ mạch và làm tăng chỉ số đường huyết. Hệ quả ban đầu của việc này chính là cơ thể bị tăng cân. Thậm chí, về lâu về dài đây sẽ chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tiểu đường Type 2.

Cách phòng tránh:

  • Tăng cường ăn các loại rau màu xanh, hoa quả.
  • Ăn nhiều cá, quả hạch, dầu olive để tăng cường hàm lượng acid béo omega-3.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Đều đặn thực hiện tập luyện thể chất ít nhất 4 tiếng mỗi tuần.
  • Hạn chế sử dụng thức uống có cồn, ăn vặt vào đêm muộn hay các món có nhiều đường.

Hormone Cortisol

Cortisol là một loại hormone được tiết ra mỗi khi chúng ta căng thẳng, mệt mỏi, ủ rũ hay gặp các chất thương vật lý. Chức năng chính của nội tiết tố này là làm giảm stress, bằng cách tăng lượng đường trong máu và tác động vào quá trình chuyển hóa chất béo, protein và carbonhydrate. Tuy nhiên, trong trường hợp chúng ta bị stress kéo dài, việc cơ thể liên tục tiết cortisol sẽ gây ra nhiều mặt trái đối với sức khỏe, đặc biệt là hiện tượng tăng tích mỡ tại các cơ quan nội tạng.

Cách phòng tránh:

  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày
  • Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán và rượu bia.
  • Luyện tập các bài hít thở sâu, yoga hoặc ngồi thiền ít nhất 1 tiếng mỗi ngày.
  • Dành thời gian cho gia đình, bạn bè và rời xa các món đồ công nghệ.

Hormone Testosterone

Testosterone là một loại hormone đặc trưng của nam giới nhưng nó vẫn hiện diện trong cơ thể phái nữ. Ngoài chức năng về sinh dục, Testosterone còn giúp làm săn chắc cơ, xương và đốt cháy mỡ thừa. Khi lượng Testosterone được tiết ra bị giảm sút, do nguyên nhân tuổi tác hoặc stress, cả hai giới đều có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh béo phì.

Cách phòng tránh:

  • Luyện tập cơ thể thường xuyên.
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn.
  • Bổ sung thêm protein cho cơ thể.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như hạt bí, gạo lứt, rau…

Hormone Progesterone

Sự suy giảm hormone Progesterone có thể khiến nữ giới dễ dàng bị tăng cân và tích mỡ. Nguyên nhân chính gây rối loạn quá trình tiết Progesterone có thể do stress, sử dụng thuốc tránh thai hay thời kỳ mãn kinh

Cách phòng tránh:

  • Luyện tập thể dục thường xuyên.
  • Ngồi thiền hoặc tập các động tác Yoga.
  • Giữ một tinh thần lạc quan, hạn chế việc bị stress.
Cập nhật: 01/06/2018 Theo Dân Trí
  • 348