Tìm thấy hóa thạch của đôi báo săn tử chiến tới chết cách đây 20.000 năm

  •  
  • 227

Những vết thương chí mạng từ trận chiến với đồng loại khiến báo săn Mỹ cổ đại rơi xuống nền hang động và tử vong.

Cách đây 20.000 năm, trong một hang động trên vách núi đá ở Grand Canyon, hai con báo săn chiến đấu kịch liệt. Con báo săn chưa trưởng thành bị cắn xuyên qua cột sống, nhiều khả năng chết khi rơi xuống nền hang, để lại bộ xương và một phần mô đã hóa thành xác ướp.

Mô phỏng hai con báo săn Mỹ cổ đại có thể tử chiến để giành lãnh thổ.
Mô phỏng hai con báo săn Mỹ cổ đại có thể tử chiến để giành lãnh thổ. (Ảnh: Julius Csotonyi).

Xương cốt của con báo kém may mắn cùng với hóa thạch từ 2 hang động khác ở Grand Canyon hé lộ loài báo săn Mỹ đã tuyệt chủng (Miracinonyx trumani) có thể không phải loài di chuyển trên đất bằng như báo săn châu Phi hiện đại (Acinonyx jubatus). Thay vào đó, chúng giống báo tuyết (Panthera uncia) ngày nay hơn, lang thang trên các vách đá và chủ yếu ăn dê núi hoặc cừu sừng lớn.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch cách đây hàng thập kỷ. Khi đó, họ xác định bộ xương thuộc về loài báo sư tử (Puma concolor). Nhưng kết quả phân tích lại gần đây hé lộ hóa thạch đến từ báo săn Mỹ. Đây là loài họ hàng gần với báo sư tử, nhưng mõm ngắn hơn và cơ thể thuôn dài như báo săn châu Phi hiện đại.

Báo săn Mỹ tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước. Trước khi kỷ Băng Hà cuối cùng kết thúc, chúng sinh sống trên khắp Bắc Mỹ. Giới nghiên cứu phát hiện hóa thạch xương của chúng từ Tây Virginia tới Arizona và Wyoming. Tốc độ của loài mèo lớn đã tuyệt chủng này giúp lý giải tại sao linh dương sừng nhánh (Antilocapra americana) có thể chạy tới 96,5km/h. Trong số động vật ăn thịt chuyên săn linh dương sừng nhánh ngày nay, không loài nào chạy nhanh như vậy. Nhưng báo săn Mỹ có thể đạt được tốc độ đó.

Trong khi một số hóa thạch báo săn nằm ở thung lũng rộng nơi linh dương sừng nhánh cổ đại sinh sống, nhiều hóa thạch khác được khai quật trên núi đá dốc, có nhiều hang động cung cấp nơi trú ngụ ấm áp, theo John-Paul Hodnett, nhà cổ sinh vật học ở Ủy ban kế hoạch và vườn quốc gia Maryland, trưởng nhóm nghiên cứu.

Năm 2019, Hodnett và cộng sự làm việc với ghi chép hóa thạch ở vườn quốc gia Grand Canyon. Ông phát hiện chiếc xương chân ở hang Next Door và hang Stanton ở phía đông Grand Canyon đều thuộc về báo săn Mỹ. Nhưng phát hiện đáng chú ý nhất là bộ xương thuộc về hai con báo săn Mỹ ở hang Rampart. Con báo chưa trưởng thành bị tấn công với nhiều vết thủng ở hộp sọ và cột sống. Đây đều là vết thương chí mạng.

Các nhà nghiên cứu chưa rõ hai con báo có liên quan tới nhau hay không nhưng phần mô mềm còn dính ở xương có thể cung cấp đủ ADN để họ phân tích sâu hơn. Vết thương ở con báo trẻ có thể là kết quả của cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, hoặc một con báo đực tìm cách giết con non của đồng loại. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên số tháng 5 của Bảng tin Bảo tàng lịch sử tự nhiên New Mexico.

Cập nhật: 27/05/2022 VnExpress
  • 227