Tìm thấy mảnh sừng hươu có thể là nhạc cụ Việt 2.000 năm

  •  
  • 112

Mảnh sừng dài 35cm nhiều khả năng thuộc về hươu Sambar hoặc hươu vàng, được phát hiện dọc theo sông Mekong.

Bản phục dựng hiện vật (A) so sánh với các nhạc cụ Việt Nam khác
Bản phục dựng hiện vật (A) so sánh với các nhạc cụ Việt Nam khác như Bro JoRai (B), đàn cò ke (C), đàn K'ný (D). (Ảnh: F Z Campos/Antiquity Journal)

Các nhà khoa học tìm thấy một mảnh sừng hươu khác thường ở một địa điểm dọc theo sông Mekong, Việt Nam, có thể là một trong những nhạc cụ dây lâu đời nhất từng khai quật ở Đông Nam Á. Nó trông giống đàn hạc một dây và có thể là tiền thân của những nhạc cụ phức tạp mà đến nay vẫn được sử dụng tại Việt Nam. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Antiquity hôm 21/2.

Hiện vật gồm một mảnh sừng hươu dài 35 cm với lỗ ở một đầu làm chốt, có thể giúp điều chỉnh dây giống như các phím trên đàn guitar. Sợi dây đã mòn mất từ lâu, nhưng hiện vật vẫn còn bộ phận gọi là ngựa đàn, có lẽ từng dùng để đỡ sợi dây.

Các nhà khảo cổ từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Bảo tàng Long An mô tả hiện vật trong nghiên cứu mới và kết luận, đây gần như chắc chắn là một nhạc cụ dây được gảy để tạo ra nhạc. "Không có lời giải thích hợp lý nào khác về cách sử dụng của nó", nhà nghiên cứu chính Fredeliza Campos, nghiên cứu sinh tại ANU, cho biết.

Chiếc sừng nhiều khả năng thuộc về hươu Sambar hoặc hươu vàng, hai loài bản địa Đông Nam Á. Nhóm nghiên cứu xác định niên đại của hiện vật là 2.000 năm, từ nền văn hóa tiền Óc Eo của Việt Nam dọc theo sông Mekong.

"Đây là một trong những ví dụ cổ xưa nhất của loại nhạc cụ dây này ở Đông Nam Á. Nó lấp vào khoảng trống giữa các nhạc cụ cổ xưa nhất từng ghi nhận trong khu vực - đàn lithophone hay bộ gõ bằng đá - với các nhạc cụ hiện đại hơn", Campos nói thêm.

Minh họa cách mà người xưa có thể đã chơi nhạc cụ 2.000 năm tuổi.
Minh họa cách mà người xưa có thể đã chơi nhạc cụ 2.000 năm tuổi. (Ảnh: F Z Campos)

Để hiểu rõ hơn về văn hóa âm nhạc của Việt Nam cổ đại, nhóm nghiên cứu đã xem xét danh mục gồm hơn 600 hiện vật bằng xương được phát hiện trong khu vực. Phân tích của họ cho thấy chiếc sừng độc đáo này phù hợp với danh mục, đồng thời chỉ ra sự xuất hiện của các nhạc cụ cổ khác của Việt Nam, ví dụ đàn K'ný.

"K'ný là nhạc cụ một dây dùng vĩ, điều khiển bằng miệng của người chơi. Đàn có thể chơi nhiều âm thanh và tone khác nhau, nhiều hơn thang âm sắc mà bạn thường nghe thấy trên đàn piano", Campos giải thích.

Cập nhật: 21/02/2023 VnExpress
  • 112