Trời mưa ở mọi nơi trên thế giới có giống nhau hay không?

  •   22
  • 3.256

Câu hỏi nghe tưởng chừng có vẻ đơn giản, nhưng thật sự nó đã tốn khá nhiều giấy mực và công sức của giới khoa học trong một thời gian không nhỏ.

Lượng mưa ở vài nơi trên thế giới có thể gấp 10.000 lần so với phần còn lại, đồng nghĩa với việc có sự chênh lệch khổng lồ giữa những khu vực mưa dồi dào quanh năm và những nơi cực kỳ khô hạn. Nhưng liệu có phải rằng trên toàn Trái Đất, những cơn mưa, không kể tần suất xảy ra, đều đi theo một lộ trình đã được tự nhiên vạch sẵn? Hay chúng chỉ tuân theo những quy luật riêng rẽ, phụ thuộc vào đặc thù của từng khu vực, như Australia, Nam Cực hay cả sa mạc Gobi?

Để bước đầu tìm kiếm câu trả lời, một nhóm các nhà vật lý học châu Âu đã nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng những cơn mưa dông cùng vấn đề liên quan đến mực nước thu thập được sau mỗi lần mưa. Cuối cùng, bằng chứng họ tổng kết được đã châm ngòi, mở ra một cuộc luận bàn kéo dài hàng thập kỷ giữa các nhà vật lý: Mưa quả thực không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ quy phạm, tiêu chuẩn nào cả.

Những cơn mưa, không kể tần suất xảy ra, đều đi theo một lộ trình đã được tự nhiên vạch sẵn?
Những cơn mưa, không kể tần suất xảy ra, đều đi theo một lộ trình đã được tự nhiên vạch sẵn?

Mỗi khi giới khoa học đương đầu với một bài toán hóc búa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, họ có xu hướng tự nhận thấy rằng, giải pháp lại thường nằm trong một vấn đề khác có vẻ hoàn toàn không liên quan. Dù thiên nhiên vốn tạo ra quy luật của riêng nó cho vạn vật, nhưng để minh họa cho ý kiến trên, đôi khi thuyết Schrödinger (phương trình mô tả sự biến đổi lượng tử của một hệ vật lý theo thời gian) lại có thể tác động đến hành vi, thói quen của loài cá hay những tính toán về sức căng bề mặt của nước cũng được nhắc đến trong lĩnh vực điện học... Những mối quan hệ tưởng như vô nghĩa nhưng lại khá gần gũi với nhau này xuất hiện ở mọi nơi, càng nhấn mạnh thêm vai trò quan trọng trong công cuộc tìm tòi của các nhà vật lý.

Tiếp đó, một nhóm nghiên cứu đến từ Đức và Tây Ban Nha cũng tiến hành ý tưởng thống kê số liệu từ những ghi chép về lượng mưa ở một số vùng nhất định, hy vọng có thể mang về những chứng cứ xác đáng hơn, dựa trên cơ sở của dự án ban đầu phía châu Âu.

Mưa rơi nhiều hơn đáng kể ở vùng nhiệt đới so với nơi hoang mạc – điều này là hiển nhiên. Nhưng sự chênh lệch đó thôi là chưa đủ để khiến các nhà khoa học chú ý đến. Họ muốn tập trung vào mối liên hệ giữa lượng mưa và tần suất chúng xảy ra. Để cụ thể hóa, dưới đây là một vài giả thiết được đặt ra:

Nếu ở khu vực Papua New Guinea, những cơn dông nhỏ thường đến cách nhau 1 tuần và những cơn lớn cách nhau 1 tháng, trong khi ở Niger con số tương ứng là 2 tuần và 2 tháng, vậy mưa ở hai địa điểm đó có chung đặc tính: dông bão lớn xảy ra ít hơn 4 lần so với bình thường. Đơn giản, chúng ta chỉ cần nhân số liệu ở Papua New Guinea với 2 là có thể suy ra được khoảng cách giữa những lần mưa tới ở Niger.

Mưa quả thực không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ quy phạm, tiêu chuẩn nào cả.
Mưa quả thực không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ quy phạm, tiêu chuẩn nào cả.

Vậy, thử tưởng tượng mà xem, nếu tìm ra những bội số khác để nhân với thống kê tại Papua New Guinea khớp với Đức, rồi Australia, việc dự đoán những ghi chép liên quan đến khu vực khác, thậm chí trên toàn thế giới sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tiếc thay, dù nhiều người tham gia nghiên cứu tin rằng họ sắp chạm tay đến kết luận cuối cùng, sự "đồng bộ hóa" này đến nay vẫn chưa đủ bằng chứng thuyết phục. Dù muốn hay không, đó vẫn còn là bài toán chưa có lời giải đáp.

Mưa không được coi là hằng số, ít nhất là đối với các nhà khoa học và họ cũng không biết chắc chắn câu trả lời. Có thể là do trong số những vùng thuộc diện điều tra, kết quả họ thu được lại là một mớ hỗn độn, hay là nguyên nhân sâu xa nào khác họ vẫn chưa nghĩ tới. Không thể phủ nhận sự hồi hộp, thú vị khi khám phá những bí ẩn bất ngờ nằm sâu trong cốt lõi của vấn đề, nhưng dù vậy, đôi khi mưa đơn giản chỉ là mưa mà thôi.

Cập nhật: 16/05/2016 Theo Trí Thức trẻ
  • 22
  • 3.256