Từng mệnh danh là "chó bảo mẫu", vì sao chó pitbull ngày càng hung bạo?

  •  
  • 1.786

Được mệnh danh là “chó bảo mẫu” vì thân thiện với trẻ em, nhưng do được sử dụng để phục vụ “chọi chó”quá trình nuôi dạy không đúng cách của con người khiến cho chó pitpull ngày càng hung dữ.

Theo trang thông tin pethelpfull, pitbull là loài chó có nguồn gốc từ Anh và được lai tạo bởi hai giống khác gồm Bulldog và Terrier. Ban đầu, mục đích tạo ra pitbull là để phục vụ cho các cuộc chiến đẫm máu với tên gọi "bull baiting", nơi những con chó sẽ đối đầu với một con bò đực cho đến khi một trong hai con vật nằm xuống.

Một chú chó pitbull
Một chú chó pitbull - (Ảnh: ISTOCK).

Vào cuối thế kỷ 18, pitbull được du nhập sang Mỹ nhằm sử dụng cho việc canh gác hoặc giữ nhà, nơi chúng giúp đỡ gia chủ trong việc chăn nuôi gia súc, đi săn và chống trộm. Bên cạnh đó, động vật này cũng được ghi nhận có thái độ trung thành và thân thiện với con người, đặc biệt là trẻ em. Cũng từ đây, giống chó này được đặt cho biệt danh "chó bảo mẫu".

Nhận thấy sức mạnh và độ bền bỉ của sinh vật này, người Mỹ đã cho pitbull phối giống rộng rãi với mục đích phục vụ cho trò chơi tiêu khiển "chọi chó". Mặc dù hành động này ngay sau đó đã bị cấm vào năm 1935, song pitbull cũng đã được huấn luyện để trở nên rất hung bạo và hiếu chiến.

Bên cạnh yếu tố lịch sử, quá trình nuôi dạy của người chủ cũng sẽ góp phần không nhỏ đến tính hiếu chiến của pitbull. Theo đó, pitbull sẽ trở nên cực kỳ hung dữ nếu bị nuôi dạy trong môi trường bị đánh đập, bỏ đói, hay được huấn luyện săn mồi, theo trang thông tin pethelpfull.

Cho tới thời điểm hiện tại, pitbull đã có phần hiền dịu đi, khi chúng được huấn luyện để trở thành một người bạn tốt với gia chủ và các em bé trong gia đình. Tuy vậy, đặc tính hung dữ của chúng vẫn không thể mất đi hoàn toàn theo thời gian, trang thông tin LOVE-A-BULL Education cho hay.

Theo Insidedogsworld, trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người thì Pitbull xếp vị trí đầu tiên. Một đặc điểm chúng ta cần lưu ý khi vô tình tiếp xúc với loài chó này là chúng có tập tính lãnh thổ cao, nghĩa là chúng sẽ tấn công bất cứ đối thủ nào đi vào "khu vực" của chúng.

Thống kê của National Geographic cũng cho thấy từ năm 2005 đến 2015, loài chó Pitbull đã giết chết 232 người Mỹ (tức là trung bình 1 người trong 17 ngày). Còn ở nước Anh thì loài chó này thậm chí bị cấm nuôi. Chúng cũng được biết đến với nhiều vụ việc tấn công chủ nhân từ bị thương cho tới tử vong.

Pitbull là giống chó dữ, cần hết sức cảnh giác khi nuôi, cũng như khi gặp trên đường
Pitbull là giống chó dữ, cần hết sức cảnh giác khi nuôi, cũng như khi gặp trên đường. (Ảnh: Getty).

Một số người cho rằng, với lực cắn như vậy, chó Pitbull có thể cắn gãy xương đùi của bò chỉ bằng một nhát cắn. Ngoài lực cắn mạnh, tác động của vết cắn từ chó Pitbull còn phụ thuộc vào 2 yếu tố.

Thứ nhất là cắn chặt kèm lắc mạnh. Kory Nelson, luật sư có nghiên cứu về chó Pitbull ở thành phố Denver, Mỹ, cho biết: "Vết cắn của chó Pitbull thường gây ra vết thương nghiêm trọng hơn các giống chó khác. Loài này có xu hướng tấn công vào các cơ nằm sâu trong cơ thể, cắn chặt và lắc qua lắc lại để làm rách các mô".

Yếu tố thứ hai khiến Pitbull trở thành loài đáng sợ đó là chúng không nhả ra sau khi cắn. Cơ hàm cực khỏe giúp Pitbull cắn và giữ chặt không cho đối phương thoát ra. Một ví dụ về sự "lì lợm" của Pitbull đó là trường hợp xảy ra ở thành phố Alton, bang Illinois, Mỹ năm 2018.

Lúc bấy giờ, một viên cảnh sát bị chó Pitbull tấn công khi tới hiện trường. Để giải nguy cho cảnh sát này, các đồng đội buộc phải bắn chết con chó Pitbull bằng súng lục. Nhưng ngay cả khi đã chết, con chó Pitbull vẫn ngoạm chặt tay của viên cảnh sát. Điều này chưa từng xảy ra trong các vụ tấn công của những loài chó khác.

Tại Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp chó Pitbull cắn người, và hậu quả để lại thường rất nặng nề, nhiều người đã chết hoặc bị thương tích nặng dưới hàm răng và cú đớp của loài chó này, trong đó có nhiều trẻ em.

Với đặc tính hiếu chiến và hung dữ của pitbull, nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã ban hành lệnh cấm nuôi hoặc nuôi một cách hạn chế.

Tại châu Âu, rất nhiều nước đã cấm giống chó này, bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malta, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh, và 15/16 bang của Đức.

Trong khi tại châu Mỹ, những nước như Argentina, Ecuador, Guyana, Puerto Rico và Venezuela đã cấm nuôi pitbull. Một số nước tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia hay Singapore cũng đã cấm giống chó này.

Cập nhật: 04/10/2024 Tuổi Trẻ/Dân Trí
  • 1.786