Ứng dụng công nghệ xử lý chữ viết dân tộc Thái

  •   2,52
  • 2.560

Ứng dụng công nghệ thông tin xử lý chữ viết của dân tộc Thái ở Việt Nam là một giải pháp mới, dẫn đầu và hiện tại gần như là duy nhất trong nước về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin xử lý chữ viết.


Chữ viết Thái (Ảnh minh họa)

Công trình do cử nhân Phan Anh Dũng, tiến sỹ Ngô Trung Việt cùng các cộng sự của Viện Công nghệ thông tin sáng tạo, hướng tới việc bảo tồn văn hóa-chữ viết dân tộc Thái và tương lai có thể cả chữ Chăm, Khmer cũng như chữ Nôm (Việt, Tày-Nùng)...

Hệ thống phần mềm và trang web hỗ trợ chữ Thái Việt Nam có tính hoàn chỉnh cao, gồm 4 thành phần: bộ phông chữ Thái Unicode, bộ gõ chữ Thái trên Windows và trên Linux, trang Web về chữ Thái, bộ từ điển trực tuyến chữ Thái.

Để đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy chữ Thái cho học sinh người dân tộc cũng như việc nghiên cứu của các nhà Thái học, ngoài việc tạo phông chữ và bộ gõ cho chữ Thái, có một trang Web bước đầu giới thiệu về chữ Thái, đưa lên các văn bản cổ tinh hoa văn hóa Thái, cho tải về các phần mềm và phông chữ Thái phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu về chữ Thái http://www.huesoft.com.vn/chuthaivietnam.

Trang từ điển chữ Thái trực tuyến tuy giao diện khá đơn giản nhưng đã tiếp thu được những công nghệ tiên tiến như sử dụng Hibernate, Ajax để tăng tốc độ truy cập, cho phép đoán từ ngay khi đang gõ. Hiện tại trang Từ điển chữ Thái đặt tạm tại địa chỉ http://sager-pc.cs.edu/~huesoft/thaiviet.

Ông Phan Anh Dũng cho biết, đây là công trình có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực văn hóa-xã hội. Dân tộc Thái ở Việt Nam đông thứ ba sau người Kinh và Tày, là dân tộc thiểu số sớm có chữ viết riêng, từ thế kỷ XI.

Hiện nay, công trình đã dành được sự tín nhiệm của người Thái ở Việt Nam, vì không chỉ thuần túy làm các công việc xử lý kỹ thuật mà nhóm đã đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu khá sâu vào văn hóa, chữ viết, ngữ pháp, chính tả... tiếng Thái. Đồng thời, các tác giả xây dựng được mối liên hệ hợp tác với các nhóm nghiên cứu người Thái như nhóm Lò Mai Cương, Cà Văn Chung ở Sơn La, nhóm Sầm Văn Bình ở Nghệ An.

Theo TTXVN
  • 2,52
  • 2.560