Vì sao bão số 10 là cơn bão đầu tiên ở Việt Nam được cảnh báo đỏ?

  •  
  • 2.044

Cơn bão số 10 được dự báo khi đổ bộ đất liền nước ta sẽ mạnh cấp 12-13, giật cấp 16 và nó là cơn bão đầu tiên của Việt Nam được cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (màu đỏ).

Sáng 13/9, tại cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 10 do Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai tổ chức, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương có nhận định, bão khi áp sát đất liền các tỉnh Nam Định - Quảng Bình có thể mạnh cấp 12-13, gió giật cấp 15 – 16.

“Với cường độ như thế này, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (màu đỏ)”, ông Cường nhấn mạnh.

Bão số 10 khả năng đạt cấp 12-13, giật tới cấp 16 khi áp sát đất liền nước ta.
Bão số 10 khả năng đạt cấp 12-13, giật tới cấp 16 khi áp sát đất liền nước ta. (Ảnh minh họa Báo Quảng Ninh).

Giải thích về vấn đề này, ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương) cho biết, sở dĩ, bão số 10 là cơn bão đầu tiên được đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 là vì tuân thủ theo Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/8/2014.

Quyết định này quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai do bão, áp thấp nhiệt đới với các cấp độ khác nhau dựa vào các tiêu chí như cường độ thiên tai, phạm vi ảnh hưởng, khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trì hạ tầng.

“Trên cơ sở dự báo cấp bão số 10 có thể đạt cấp 12-13 khi vào sát bờ như vậy, thực sự rất mạnh và gây nguy hiểm. Chiếu theo Quyết định 44 năm 2014, thì đây là lần đầu tiên bão rất mạnh và đạt đến cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4”, ông Năng cho hay.

Ông Năng cho biết thêm, trong Quyết định số 44, cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần: cấp 1 màu xanh dương là rủi ro nhỏ; cấp 2 màu vàng là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là thảm họa.

Đối với cấp độ rủi ro do áp thấp nhiệt đới và bão gây ra có 3 cấp. Thấp nhất là cấp 3 và cao nhất là đến cấp 5.

Thang đo cấp độ rủi ro thiên tai.
Thang đo cấp độ rủi ro thiên tai.

Cấp độ 3 gồm các trường hợp: Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ (bao gồm vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang), trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.

Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Cấp độ 4 gồm các trường hợp: Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ; bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Cấp độ 5 gồm các trường hợp: Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ; siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xem xét xác định tăng thêm một cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi xảy ra một trong các trường hợp áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh; áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng hợp với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.

Cập nhật: 14/09/2017 Theo Dân Việt
  • 2.044