Vì sao gián mất đầu vẫn sống?

  •   4,25
  • 4.453

Con vật bị nhiều người ghét bỏ này có bản năng sinh tồn cực mạnh. Mất đầu, song chúng vẫn sống thêm hằng tuần. Các nhà khoa học đã khám phá vì sao chúng làm được điều đó, còn người thì không.

Vì sao gián sống được ngay cả khi đã ... mất đầu?

Nhà sinh lý học và hoá sinh học Joseph Kunkel, từ Đại học Amherst, Massachusetts (Mỹ), đã nghiên cứu sự phát triển của gián để tìm ra nguyên nhân sống sót của gián khi mất đầu, và tìm hiểu tại sao con người không thể làm điều đó.

Vì sao gián mất đầu vẫn sống?

Đầu tiên, việc mất đầu ở người sẽ dẫn đến kết quả là mất máu và huyết áp giảm dến mức không thể vận chuyển ôxy và chất dinh dưỡng tới các mô trong cơ thể. "Người ta mất máu mà chết", Kunkel bình luận.

Ngoài ra, con người thở bằng miệng hoặc mũi và não kiểm soát các chức năng sống còn này, vì thế khi mất đầu, việc thở cũng ngừng luôn. Hơn nữa, cơ thể người không thể ăn được nếu không có đầu, đảm bảo một cái chết đói chắc chắn.

Song, gián không bắt buộc phải có huyết áp theo cách của con người. "Chúng chẳng có mạng lưới mạch máu rộng khắp như của chúng ta - nghĩa là các mạch tí hon cần áp suất lớn để máu có thể lưu thông. Chúng có một hệ tuần hoàn mở, với áp suất thấp hơn nhiều".

"Nếu bạn cắt đầu chúng, cái cổ sẽ được liền lại bằng máu cục. Không hề có sự kiểm soát chảy máu ở đây", Kunkel nói.

Vì sao gián mất đầu vẫn sống?

Sinh vật này cũng lấy khí trời bằng các lỗ thở, nằm trên các đốt cơ thể. Ngoài ra, não của gián không kiểm soát quá trình thở này và máu không cần mang ôxy đi nuôi các nội tạng. Thay vào đó, các lỗ thở hút không khí trực tiếp vào các mô thông qua một loạt ống nhỏ gọi là khí quản.

Ngoài những yếu tố trên, gián còn là một sinh vật máu lạnh, nghĩa là chúng cần ít máu hơn nhiều so với hoạt động sống của con người. "Một con côn trùng có thể sống sót trong hằng tuần với một bữa ăn mà chúng có", Kunkel nói.

Nhà côn trùng học Christopher Tipping tại Đại học Delaware Valley ở Doylestown đã thí nghiệm cắt đầu hai con gián châu Mỹ, "rất cẩn thận dưới kính hiển vi", và làm lành vết thương bằng sáp, ngăn cho chúng khỏi chết vì mất dịch. Kết quả là hai con vật kéo dài tuổi thọ thêm vài tuần trong một cái bình. "Chúng đứng vững, sờ vào nhau và di chuyển".

Không chỉ cơ thể của chúng sống sót mà không cần đầu, bản thân cái đầu gián cũng sống sót, vẫy râu vài giờ trước khi mất hết nước. Nếu được tiếp dinh dưỡng và làm lạnh, nó có thể sống lâu hơn.

Một vài thông tin đáng kinh ngạc khác:

  • Gián đã có mặt trên Trái Đất từ thời kỳ khủng long, cơ thể chúng khi ấy dài khoảng 50cm !!! Ngày nay, gián nhiệt đới thậm chí vẫn phát triển được tới 18cm.
  • Có khoảng 4000 loài gián khác nhau trên toàn thế giới, nhưng chỉ có 30 loài thích sống trong tủ quần áo của bạn.
  • Gián nhịn thở được tới 40 phút.
  • Chúng có thể chạy với tốc độ 5 km/h, rất ấn tượng khi xét đến cơ thể nhỏ bé (nếu chúng to lớn bằng con người, tốc độ đó sẽ tương đương 700 km/h !!!). Không chỉ vậy, gián còn có khả năng đổi hướng chạy 25 lần trong một giây - thực sự là “xoay như chong chóng”.
  • Một số con cái chỉ giao phối 1 lần mà có thể tiếp tục mang thai cả đời.
  • Gián và bọ cạp là 2 loài sinh vật duy nhất có thể sống sót qua thử nghiệm nguyên tử.
Tổng hợp
  • 4,25
  • 4.453