Việt Nam: Sinh vật lạ xâm lấn sông nước

  •  
  • 2.159

Việt Nam đã nhập 41 loài động vật thuỷ sinh lạ trong vòng hơn 50 năm qua. Điều tra của Bộ Thuỷ sản cho thấy, có 7 loài cần phải được theo dõi nghiêm ngặt do tác hại của nó đối với cân bằng sinh thái ở Việt Nam.

Ốc bươu vàng được tận diệt bằng nhiều phương pháp nhưng vẫn sinh sôi và phá hoại mùa màng (Ảnh: Tư liệu VNN)

41 loài động vật thuỷ sinh lạ đã được nhập vào Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau. Trong số đó, có 32 loài được nhập để sản xuất thực phẩm, có 6 loài nhập về làm cảnh nhưng đã bị... thoát ra tự nhiên! Kỹ sư Lê Thiết Bình, Phó phòng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản) đã cho biết như trên, dựa theo điều tra thực tế tại 6 vùng nông nghiệp, cùng với hồ sơ nhập nội giống thuỷ sản tại Bộ Thủy sản.

Điều tra cho thấy, Đồng bằng Bắc Bộ là nơi có mặt nhiều động vật thuỷ sinh lạ nhất, với 34 loài.

Các loài động vật thuỷ sinh lạ nhập nội vào Việt Nam đáng quan tâm nhất là tôm Chân trắng, ốc Bươu vàng, cá Mrigan, cá trắm cỏ, cá mè trắng Trung Quốc, cá rôhu, cá trê phi, cá chim trắng nước ngọt bụng đỏ, cá rô phi đen, cá rô phi vằn...

Theo ông Bình, đa số các động vật thuỷ sinh lạ đã thống kê được thuộc nhóm sống ở thuỷ vực nước ngọt. Có 3 loài thuộc nước biển là : áctêmia, tôm chân trắng và cá đù Mỹ. Hầu hết các động vật thuỷ sinh lạ là cá. Ngoài ra, có 4 loài thuộc động vật không xương sống, 1 loài lưỡng cư, 1 loài bò sát và 1 loài thú. Hiện nay, Nhà nước đã cấm nuôi 3 loài vì tác hại của chúng đối với môi trường là chuột hải ly, ốc bươu vàng, cá hổ.

Các loài động vật thuỷ sinh lạ đã nhập nhưng do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do không thích nghi được, nay đã không gặp hoặc rất ít gặp ở Việt Nam là cá tầm Trung Hoa, cá học, cá vược Mỹ miệng bé, cá nheo Âu, cá chình Âu.

Mới đưa vào danh sách đen 7 loài, cấm 3 loài

TS. Lê Thiết Bình nhận định, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, một số loài động vật thuỷ sinh lạ sau khi vào Việt Nam có giá trị kinh tế cao, điển hình là tôm chân trắng, cá rô phi, cá chép, cá tỳ bà, cá chim trắng bụng đỏ nước ngọt và rùa tai đỏ.

Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ 13 loài nhập nội để nuôi còn lại về các tác động (phá hoại nơi cư trú, phá huỷ chuỗi thức ăn, cạnh tranh nơi cư trú, suy thoái di truyền do tạp giao và mang theo ký sinh trùng, mầm bệnh mới) có 5 loài tốt, 2 loài xấu và số còn lại chưa xác định được là tốt hay xấu, gồm cá ăn bọ gậy, cá Cátla, cá đù Mỹ, cá Mrigan, cá rô hu, ếch bò.

Ông Bình nói rằng, việc nhập nội các loài động vật thuỷ sinh lạ thời gian qua đã có biểu hiện gây ra một số ảnh hưởng bất lợi đối với đa dạng sinh học trong các thuỷ vực.

Cá hổ, một trong những loài sinh vật lạ được nhập vào Việt Nam để làm cảnh trước đây. (Ảnh minh hoạ: theamericanoutdoorsman)

Một số loài bản địa trở nên khan hiếm do khả năng cạnh tranh thức ăn và nơi ở kém hơn các loài nhập nội như cá mè trắng Việt Nam, cá trôi Việt, cá chép Việt. Một số loài bản địa, chẳng hạn cá trê đã có biểu hiện bị lai tạp.

Để có biện pháp quản lý các loài động vật thuỷ sinh lạ nhập nội, nên đánh giá và sắp xếp chúng vào các danh mục Trắng, Xám, Ðen (trong đó, Trắng có nghĩa là động vật thuỷ sinh lạ đà đưa ra nuôi ở diện rộng, thời gian tương đối dài nhưng hầu như không có ảnh hưởng gì; Xám là loài động vật thuỷ sinh lạ chưa rõ nguy cơ hoặc còn có ý kiến khác nhau; Ðen là các loài động vật thuỷ sinh lạ cần có các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ để huỷ bỏ, tiêu diệt, đồng thời áp dụng biện pháp phòng ngừa là cấm nhập).

Theo cách phân chia này, Việt Nam có 9 loài động vật thuỷ sinh lạ loại Trắng, 25 loại Xám và 7 loại Đen. Như vậy, có 7 loài động vật thuỷ sinh lạ cần kiểm soát gắt gao là ốc bươu vàng, cá tỳ bà, cá nheo Âu, cá hổ, rùa tai đỏ, cá sấu Cu ba, chuột hải ly.

Đến nay, nước ta đã cấm nuôi 3 loài là chuột hải ly, ốc bươu vàng, cá hổ (Pygocentrus nattereri).

Mối nguy từ sinh vật lạ xâm lấn

Sự xâm nhập các sinh vật lạ vào Việt Nam Nhiều quốc gia trên thế giới đã chi phí nhiều triệu đô la Mỹ cho việc ngăn chặn và tiêu diệt những loài lạ xâm nhập vào lãnh thổ của họ gây nguy cơ dịch bệnh, phá hoại nền sản xuất nông nghiệp, phá vỡ cơ cấu sử dụng đất canh tác...

Ở nước ta sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới xâm nhập còn ở mức độ chưa lớn, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Có thể chỉ ra các biểu hiện ban đầu sau: Ốc bươu vàng (Pila sínensis), đây là loài được nhập khẩu vào nước ta trong khoảng hơn 10 năm nay, với khả năng sinh sản rất nhanh và thức ăn chủ yếu là lá lúa nên đã gây nên đại dịch phá hoại lúa ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đang phát triển dần ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Sinh vật lạ xâm lấn, mối lo ngại của các nhà môi trường
(Ảnh: Cục Bảo vệ Môi trường)

Nạn dịch này không chỉ làm giảm sản lượng lúa của các địa phương mà hàng năm Nhà nước đã phải chi hàng trăm triệu đồng để tiêu diệt loài ốc này, nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn. Năm 1996, đã phát hiện tư thương nhập một loại côn trùng để làm thức ăn cho chim cảnh, đó là loài Tenebrio monitor, loài côn trùng này thuộc nhóm đa thực có khả năng gây hại cho nhiều loại sản phẩm nông nghiệp nên đã bị cấm kịp thời.

Cũng trong khoảng 1996-1998, trên thị trường cá cảnh xuất hiện loại cá hổ pirana, hay còn gọi là cá kim cương, cá răng - tên khoa học là Serralmus nattereri. Đây là loài cá có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazôn (Nam Mỹ), thuộc loài ăn thịt, hung dữ. Nhiều nước đã có quy định nghiêm ngặt đối với việc nhập loài cá này. Nếu loài này lọt ra sống trong môi trường tự nhiên chúng sẽ tiêu diệt hết các động vật thuỷ sinh, khi đó khó lường hết những thiệt hại về kinh tế thuỷ sản, đồng thời cũng gây nguy hiểm cho con người. Vì vậy Bộ Thuỷ sản đã có chỉ thị nghiêm cấm nhập khẩu, phát triển loài cá này.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười, rừng tràm U Minh đang phát triển loài cây Trinh nữ (Momosa), loài có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Quá trình du nhập bằng nhiều nguồn chúng đã xâm nhập vào châu Phi, châu á, Ôxtrâylia và đặc biệt thích hợp phát triển ở những vùng đất ngập nước, nhiệt đới. Đây là 1 trong số 100 loài sinh vật lạ được Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN) xếp vào loại có khả năng xâm nhập trên quy mô lớn của thế giới. Đây là loài có khả năng sinh sản rất mạnh bằng cả gieo hạt nhờ gió lẫn sinh sản vô tính từ các đoạn thân. Sự phát triển dày đặc của loài cây này đã ngăn cản hạt giống của các loài cây bản địa tiếp xúc với đất, dần dần các loài cây bản địa không thể tái sinh được và hệ sinh thái bản địa cũng bị tiêu diệt theo.

(Theo tài liệu của Cục Bảo vệ Môi trường)

Theo Vietnamnet
  • 2.159