Virus Adeno là gì?

Adenovirus - Những điều cha mẹ cần biết
  •  
  • 458

Adenovirus (hay virus Adeno) là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 8-10%. Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột...

Adenovirus là gì?

Adenovirus là những virus chứa ADN chuỗi kép, vỏ capsid đối xứng xếp thành hình khối 20 mặt, đường kính của virus dao động từ 70 đến 80 nm. Adenovirus được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mảnh hạch hạnh nhân.

Adenovirus có ít nhất 47 tuýp huyết thanh. Tuýp 1-5, 7, 14 và 21 có khả năng gây bệnh viêm họng hạch và viêm kết mạc; Tuýp 40 và 41 gây tiêu chảy cấp ở trẻ em; Tuýp 5, 8, 19 thường là nguyên nhân gây bệnh nặng.

Adenovirus có sức đề kháng bền vững, với khả năng tồn tại và gây nhiễm ở nhiệt độ 36oC trong 7 ngày, 22oC trong 14 ngày và 4oC trong 70 ngày. Virus mất độc lực và chết ở nhiệt độ 56oC từ 3 đến 5 phút.

Cấu trúc Adenovirus
Cấu trúc Adenovirus.

Virus Adeno có nguy hiểm không?

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với những triệu chứng rất thông thường.

Theo ghi nhận, virus Adeno đã gây ra các vụ dịch sốt viêm họng, viêm kết mạc tại nhiều nơi trên thế giới. Dịch viêm kết mạc xuất huyết do virus cũng đã được phát hiện lần đầu ở Ghana năm 1969 và Indonesia năm 1970. Sau đó, các vụ dịch dần xuất hiện ở vùng nhiệt đới Châu Á, Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, vùng Caribe, các đảo Thái Bình Dương, một số nơi của Florida và Mexico. Ngoài ra, các vụ dịch nhỏ còn được phát hiện tại châu Âu và những người tị nạn Đông Nam Á ở Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, virus Adeno lưu hành rộng rãi tại nhiều nơi trên cả nước và tản phát trong suốt năm, đặc biệt là những tháng xuân – hè nên dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus khác, hoặc với bệnh sốt dengue vào đầu mùa hè.

Virus Adeno gây bệnh gì?

Adenovirus có thể ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác nhau như: đường hô hấp, mắt, đường tiêu hóa và một số cơ quan khác. Adenovirus nhóm B là nhóm virus có khả năng gây bệnh thường gặp nhất. Sau khi tấn công cơ thể Adenovirus có thể tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân.

Virus Adeno có thể gây ra một số bệnh lý bao gồm:

Viêm đường hô hấp

Viêm họng cấp: thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các triệu chứng sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy mũi,… Tình trạng có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày và lây lan nhanh thành dịch. Nếu chỉ chẩn đoán thông qua triệu chứng thì rất khó để phân biệt với các bệnh đường hô hấp do virus khác.

Viêm đường hô hấp cấp: có biểu hiện đau, sưng họng, sưng đau hạch cổ, sốt lên đến 39oC, ho. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, diễn biến cấp tính và thường khỏi sau 3-4 ngày. Các chủng virus Adeno gây bệnh là 4 và 7.

Viêm phổi: do Adenovirus chiếm 10% các trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao trên 39oC, chảy nước mũi đi kèm các dấu hiệu tổn thương ở phổi. Những tổn thương này có thể lan rộng, để lại di chứng và nghiêm trọng hơn là tử vong. Viêm phổi do virus Adeno có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm và tử vong với tỷ lệ 8-10% khi mắc bệnh.

Viêm kết mạc mắt

Adenovirus từ lâu được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây viêm kết mạc mắt. Tỷ lệ viêm nhiễm liên gia đình được xác định trong khoảng 10-50%.

Có 4 dạng lâm sàng chính của viêm kết mạc do Adenovirus gồm:

  • Viêm kết giác mạc dịch
  • Viêm kết mạc thanh quản có sốt
  • Viêm kết mạc cấp có hột không đặc hiệu
  • Viêm kết giác mạc mãn tính

Nên chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc mắt do Chlamydia, các chủng virus khác và viêm kết mạc do dị ứng.

Adenovirus được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây viêm kết mạc mắt.
Adenovirus được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây viêm kết mạc mắt.

Viêm dạ dày ruột cấp tính

Adenovirus còn là một trong những tác nhân thường gặp gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính. Viêm dạ dày ruột do Adenovirus chiếm thứ hai sau Rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấpở nhóm đối tượng trẻ nhỏ. Bệnh tiêu chảy cấp do Adenovirus thường do tuýp 40 và 41.

Các bệnh khác

Adenovirus còn là nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là những bé trai. Ở niệu đạo, tử cung cũng xuất hiện loại virus này và được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra còn một số nhiễm virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng, gọi là thể ẩn, đây là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng. Những type gây bệnh cho người sau khi điều trị khỏi bệnh thì bệnh nhân có miễn dịch với Adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type gây bệnh nhưng lại không có khả năng miễn dịch chéo nên bảo vệ nguyên nhân gây bệnh do các type khác.

Virus này rất dễ lây lan cho cộng đồng và đặc biệt, Virus adeno có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm từ những triệu chứng thông thường, vì vậy khi thấy trẻ em có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe và ngay khi có dấu hiệu bất thường cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị.

Triệu chứng khi nhiễm Adenovirus

Hầu hết các trường hợp nhiễm Adenovirus đều không biểu hiện triệu chứng. Các trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng thường biểu hiện lâm sàng đa dạng, do hầu hết các chủng Adenovirus gây bệnh nhẹ đều có ái lực với nhiều loại mô.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng có triệu chứng xảy ra ở trẻ bị viêm đường hô hấp trên, bao gồm sốt, viêm họng, viêm tai giữa, viêm amidan. Một số bệnh lý do Adenovirus hiếm gặp hơn là viêm kết mạc mắt và viêm dạ dày ruột.

Viêm kết mạc mắt do Adenovirus thường biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, đau họng. Còn viêm dạ dày ruột thường có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài 7 ngày, kèm theo buồn nôn, sốt, các dấu hiệu viêm đường hô hấp và viêm kết mạc.

Đường lây truyền virus Adeno

Virus Adeno lây truyền qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Bệnh thường lây truyền ở các phòng khám, đặc biệt là phòng khám mắt. Các nhân viên y tế có khả năng mắc bệnh cao, từ đó trở thành nguồn lây truyền cho bệnh nhân và người thân.

Chẩn đoán nhiễm Adenovirus

Mẫu bệnh phẩm

Mẫu bệnh phẩm cần được thu thập từ cơ quan bị tổn thương hoặc nơi virus khu trú. Những mẫu bệnh phẩm có thể lấy được trên lâm sàng là phân, nước tiểu, dịch họng, kết mạc.

Phân lập và xác định virus

Bệnh phẩm sau khi xử lý được nuôi cấy trên tế bào có nguồn gốc từ người như tế bào thận phôi người. Một số tế bào biểu mô khác như Hela, Hep-2 và KB nhạy cảm nhưng khó áp dụng do phải nuôi cấy thời gian lâu (có thể lên đến 28 ngày) mới phát hiện được virus phát triển chậm.

Xác định type Adenovirus, các bác sĩ có thể dựa vào kháng thể huỳnh quang hoặc kiểm tra bằng thử nghiệm cố định bổ thể (CF) phân lập kháng nguyên đặc hiệu nhóm. Ngoài ra, phản ứng ngưng kết hồng cầu cũng có thể xác định chủng virus.

Để xác định chắc chắn Adenovirus thuộc các nhóm khác nhau, người ta thường sử dụng kỹ thuật PCR. Sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch của cơ thể, các cặp mồi là đoạn gen mã hóa cho các kháng nguyên đặc hiệu, có thể phát hiện hầu hết các type virus.

Để phát hiện virus trong phân người có thể sử dụng kính hiển vi điện tử hoặc kỹ thuật ELISA.

Phương pháp điều trị khi bị nhiễm Adenovirus

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus. Phần lớn các thuốc điều trị bệnh hiện nay đều là thuốc điều trị triệu chứng, kết hợp nâng cao thể trạng cơ thể và vitamin C. Bệnh có thể khỏi sau vài ngày nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp một số vấn đề nhiễm trùng như đau mắt đỏ, viêm phổi, bệnh có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn.

Trẻ mắc bệnh nên uống nhiều nước, vì thông thường trẻ bị mất nhiều nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy. Lựa chọn tốt nhất để trẻ bù nước là nước trái cây, nước lọc, có thể cho trẻ sử dụng thêm điện giải.

Phụ huynh cho trẻ xì mũi thường xuyên. Với trẻ sơ sinh, CDC khuyến nghị người nhà nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi bé, sau đó hút mũi bằng 1 chiếc xi lanh. Phụ huynh có thể bật máy tạo độ ẩm, phun sương để làm dịu tắc nghẽn ở mũi, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.

Lưu ý, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ. Các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ sử dụng thuốc chứa aspirin vì có thể dẫn đến tình trạng hiếm gặp như hội chứng Reye gây sưng phù não và gan, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và khả năng hồi phục.

Phòng ngừa bệnh do Adenovirus gây ra

Tại những nơi lưu hành dịch bệnh do Adenovirus, người dân cần lưu ý vấn đề vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi, họng, mắt. Thường xuyên dùng nước sạch và giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng.

Người lành tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là khăn mặt và các vật dụng có chất tiết của người bệnh như: tô, chén, cốc, thìa, giường, chiếu,… Nên kết hợp sát trùng, tẩy uế đồ dùng của bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính, sát trùng, tẩy uế lần cuối sau khi bệnh nhân khỏi bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường.

Infographic về virus adeno cực đơn giản, dễ hiểu, các bậc cha mẹ nên biết:



Cập nhật: 07/10/2022 Tổng Hợp
  • 458