Virus H5N1 đã có những đột biến gen độc tính cao

  •  
  • 534

Viện Pasteur TP.HCM đã hoàn thành và báo cáo với Bộ Khoa học - công nghệ về công trình “Nghiên cứu giải mã bộ gen virus cúm A H5N1 Việt Nam trên bệnh phẩm người và gia cầm”.

Theo nghiên cứu (từ tháng 3-2004 đến 3-2005) của phòng sinh học phân tử, Viện Pasteur TP.HCM, đã có 24 mẫu virus được giải mã. Trong đó, có 16 mẫu virus trên gia cầm, thủy cầm và năm mẫu virus trên người được giải mã hoàn toàn. Các mẫu virus được lấy từ bệnh phẩm người và gia cầm mắc bệnh ở khu vực phía Nam trong thời gian có dịch từ tháng 12-2003 đến 3-2005. Qua giải mã cho thấy tất cả các chủng virus gây dịch đều vẫn là type Z - type virus H5N1 phổ biến nhất của toàn khu vực từ năm 2004.

Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện chủng virus H5N1 trên người, gia cầm, thủy cầm đầu năm 2005 đã có những đột biến nghiêm trọng, tập trung vào những vùng chức năng chủ yếu của gen virus cúm gia cầm, đặc biệt là trên những kháng nguyên bề mặt (HA, NA) và những vị trí quyết định ký chủ cũng như khu vực qui định độc lực (trên gen HA, PB2, NS).

Đã có xuất hiện đột biến trên gen PB2 cho phép virus sinh sản hiệu quả trên tế bào động vật có vú và mang độc tính cao. Đồng thời cũng thấy xuất hiện những chủng virus trên bệnh nhân tử vong với rất nhiều đột biến ở tất cả các gen.

Đây là những dấu hiệu cho thấy virus đã và đang tích hợp các đột biến để thích nghi với những vật chủ mới và tăng độc tính, cộng đồng có thể phải đối mặt với sự lan truyền virus cúm H5N1 từ người sang người. Đáng lưu ý là toàn bộ các chủng VN trong nghiên cứu đều có đột biến kháng với các thuốc kháng virus Amantadine, Rimantadine. Vì vậy, việc giám sát virus kháng Oseltamivir (Tamiflu) cũng như việc tích trữ các thuốc kháng virus hiệu quả mới là cần thiết và cấp bách...

Theo nghiên cứu này, việc giải mã đồng thời toàn bộ bộ gen của virus phân lập từ người bệnh và gia cầm sẽ cung cấp thông tin đầy đủ hơn về dòng virus cúm A H5N1 lưu hành tại VN.

Tuy nhiên, tiến sĩ Cao Bảo Vân - trưởng phòng sinh học phân tử Viện Pasteur TP.HCM, đồng thời là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này - cho rằng những đột biến cho phép virus lây lan từ người sang người vẫn chưa được xác định vì còn một số câu hỏi cần giải đáp là: chủng virus có thể tích tụ những đột biến để tạo nên một biến thể thích nghi với người, hay là một sự tái tổ hợp di truyền với một chủng virus cúm người cần phải có những điều kiện tiên quyết để hình thành một chủng virus gây đại dịch?

Việc thích nghi của chủng virus cúm gia cầm đối với người có cần vật chủ trung gian không? Các biến đổi di truyền có trùng với việc gia tăng độc tính hay không?...

LÊ THANH HÀ

Theo Tuổi trẻ Online
  • 534